Khoảng 7h30 ngày 24/4, sau khi đưa các con đến trường, trên đường về nhà trên phố Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), anh Nguyễn Mạnh Tuấn (34 tuổi) trông thấy chiếc xe 16 chỗ chở học sinh dừng bất thường trên phố Chùa Quỳnh (quận Hai Bà Trưng).
Người đàn ông tiến đến kiểm tra, phát hiện tài xế lịm dần, không nói được, nghi đột quỵ. Người bên cạnh liên tục xoa dầu, bấm huyệt cho nạn nhân.
"Sau khi hỏi thăm và nắm bắt được tình trạng sức khỏe của tài xế, tôi nhanh chóng đánh xe, đưa bác đi cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn", anh nhớ lại.
Anh Tuấn đưa tài xế đến bệnh viện cấp cứu (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Anh Tuấn điều khiển chính chiếc xe 16 chỗ của nạn nhân. Nhận thấy người đàn ông lớn tuổi có dấu hiệu đột quỵ, anh không dám đi nhanh sợ ảnh hưởng não bộ, đến bệnh viện cách đó 1km sau 5 phút.
Đến nơi, anh cõng tài xế vào phòng cấp cứu, nói qua tình hình với bác sĩ. Sau đó, anh gửi xe của nạn nhân tại bệnh viện, trao lại chìa khóa cho người đi cùng.
"Khi vào cấp cứu, tài xế vẫn tỉnh táo, nói chuyện được. Tuy nhiên, lúc sau lời nói không rõ lời, chậm dần, nửa người bên trái mất cảm giác, không còn cử động", anh Tuấn nói, cho biết đã nán lại bệnh viện theo dõi tình hình, cho đến khi tài xế được đưa vào phòng mổ.
Anh Tuấn, cũng là tài xế có 8 năm kinh nghiệm, nói đây là lần đầu hỗ trợ người nghi đột quỵ. Trong khoảnh khắc đó, anh không lo lắng, chỉ nghĩ làm sao đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất trong "thời gian vàng".
Hôm sau, người nhà nạn nhân liên hệ cảm ơn anh Tuấn, cho biết tài xế được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ đã thông tắc mạch máu, nạn nhân tỉnh táo, cử động bình thường, nhưng sau một ngày nửa người trái lại mất cảm giác. Gia đình hi vọng ông sớm bình phục để đến nhà cảm ơn "ân nhân".
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn và vợ (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Được biết, tài xế mới làm việc được khoảng nửa năm cho một công ty lái xe có trụ sở ở quận Nam Từ Liêm, liên kết với một trường học tại Hà Nội. Thông thường, mỗi xe đưa đón học sinh sẽ có một tài xế và một cô giáo phụ trách.
"May mắn bác tài được anh Tuấn hỗ trợ đến bệnh viện kịp thời", một cô giáo chia sẻ.
Câu chuyện anh Tuấn cứu giúp tài xế nghi đột quỵ thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người gửi lời cảm ơn anh Tuấn, hi vọng tài xế sớm hồi phục.
"Tuyệt vời, bác tài thật may mắn vì gặp được bạn, dù sao cũng qua cơn nguy kịch do được đưa đi cấp cứu kịp thời. Chúc bạn luôn khỏe mạnh, hạnh phúc", tài khoản Hồng Quyên viết.
"Tôi cũng là tài xế, cảm thấy xúc động vì hành động của bạn. Thay mặt bác tài, cảm ơn bạn nhiều lắm", tài khoản Nguyễn Quảng viết.
Đón nhận sự quan tâm và động viên của cộng đồng mạng, anh Tuấn rất hạnh phúc, nói đây là hành động nên làm, xuất phát từ tâm.
"Khi gặp những người gặp nạn, tôi sẽ giúp đỡ hết lòng trong khả năng của mình", anh nói.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đây là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao.
ThS.BS Nguyễn Duy Chinh, Phụ trách khoa Các bệnh mạch máu, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết đột quỵ não là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, biểu hiện bằng triệu chứng lâm sàng thần kinh tương ứng.
Triệu chứng cảnh báo đột quỵ não gồm 3 dấu hiệu quan trọng:
- Liệt mặt: Mặt không cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống, đặc biệt khi bệnh nhân nói cười.
- Yếu tay chân: Không nhấc được tay, chân hoặc nhấc lên khó khăn, một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì.
- Nói khó: Người bệnh nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó hoặc không nói được câu đơn giản.
Giai đoạn giờ "vàng" được tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là 4-6 giờ.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/phat-hien-tai-xe-nghi-dot-quy-chang-trai-ha-noi-voi-lai-xe-dua-di-cap-cuu-20240426140336231.htm