Các nhà thiên văn học vừa tìm thấy một ngoại hành tinh (một hành tinh quay quanh một ngôi sao bên ngoài hệ mặt trời) mang tên Gliese 486b, đang đi vòng quanh ngôi sao của nó, Gliese 486. Bằng khoảng 1/5 khối lượng của mặt trời và to gấp ba lần Trái đất, hành tinh này có thể được coi là “hàng xóm” của chúng ta, bởi nó cách Trái đất chỉ 26,8 năm ánh sáng. Nhờ khoảng cách gần, “siêu Trái đất” này có thể giúp các nhà khoa học hiểu các điều kiện cần có để tạo nên sự sống trong vũ trụ.
Gliese 486b có lõi kim loại giống như Trái đất, nhưng mặt đất của nó nóng và khô hơn rất nhiều. Đây có thể là do nó quay rất gần với ngôi sao của nó. Nếu Trái đất chúng ta mất một năm để đi vòng quanh mặt trời, Gliese 486b chỉ cần một ngày rưỡi. Theo nghiên cứu, nhiệt độ trên bề mặt hành tinh này là khoảng 430°C.
Nhà vật lý thiên văn Jose Caballero của Trung tâm Thiên văn học Tây Ban Nha, một trong những tác giả cuộc nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng Gliese 486b sẽ như một mảnh đá Rosetta trong ngành nghiên cứu ngoại hành tinh”. Ông ví hành tinh mới này giống miếng đá khắc chữ đã giúp giải mã chữ tượng hình Ai Cập.
Đồng tác giả Ben Montet nói rằng Gliese 486b chính là ngoại hành tinh mà các nhà khoa học đã ao ước hàng thập kỉ trời. Họ tin rằng phát hiện của họ có thể giúp cộng đồng khoa học hiểu rõ hơn về các hành tinh có bầu khí quyển, để tiếp tục khám phá nhiều hành tinh mới bên ngoài hệ Mặt trời của chúng ta.