Nhóm nghiên cứu tìm thấy 5 chiếc răng dài 4,5 cm của loài cá mập đã tuyệt chủng ở Nhật Bản, Peru và Mỹ (California và North Carolina), theo Live Science. Phát hiện được công bố hôm qua trên tạp chí Historical Biology.
"Thực tế một loài cá mập lớn cỡ đó có sự phân bố địa lý rộng chỉ ra chúng ta vẫn còn biết rất ít về hệ sinh thái biển cổ xưa của Trái Đất", Kenshu Shimada, nhà cổ sinh vật học ở Đại học DePaul ở Chicago, Mỹ kiêm tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho loài cá mập sống ở đầu thế Trung Tân là Megalolamna paradoxodon, dựa trên hàm răng cỡ đại rất giống răng cá mập thuộc họ Lamna.
"Nhìn thoáng qua, răng của Megalolamna paradoxodon trông giống hàm răng khổng lồ của họ Lamna, bao gồm cá nhám thu và cá mập săn cá hồi hiện đại. Tuy nhiên, những chiếc răng hóa thạch này quá to so với họ Lamna, gợi nhắc đến những đặc trưng răng của họ Otodus. Do đó, chúng tôi xác định đây là một loài mới thuộc họ Otodontidae và không có quan hệ trực tiếp với họ Lamna", Shimada cho biết.
Hóa thạch răng của Megalolamna paradoxodon được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Kenshu Shimada.
Theo Shimada, M. paradoxodon có bộ răng dùng để ngoạm ở phần trước miệng, và những chiếc răng dùng để cắn xé mọc ở phía sau, giúp loài thú ăn chia nhỏ con mồi. Nhiều khả năng chúng sinh sống ở vùng nước nông ven biển ở vùng vĩ độ trung tâm, nơi nhóm nghiên cứu tìm thấy những chiếc răng hóa thạch. Dù chỉ đào được mẫu vật răng, họ vẫn có thể ước tính được chiều dài loài cá mập này thông qua so sánh với răng của cá mập hiện đại.
Bằng cách phân tích tỷ lệ răng so với cơ thể ở những họ hàng hiện đại của M. paradoxodon, bao gồm cá mập cát, cá mập mako và cá mập trắng lớn, nhóm nghiên cứu ước tính nó có thể dài tới 3,7 m, tương đương một chiếc ôtô.
Tuy nhiên, việc tìm ra chính xác kích thước của M. paradoxodon không dễ, theo John-Paul Hodnett, chuyên gia về cá mập kiêm sinh viên cao học ngành sinh vật tại Đại học Saint Joseph ở Philadelphia, người không tham gia nghiên cứu. Một số loài cá mập hiện đại có bộ răng nhỏ nhưng có thể dài hơn 12 m.
Những chiếc răng tiền sử cũng giúp các nhà nghiên cứu phát hiện M. paradoxodon có họ hàng gần với Carcharocles megalodon, loài cá mập lớn nhất từng sinh sống trên Trái Đất. C.megalodon dài 18 m và có lực cắn mạnh hơn cả khủng long bạo chúa. Cả hai loài cá mập đều thuộc họ Otodontidae đã tuyệt chủng.