Phát hiện hóa thạch tôm hùm khổng lồ dài 2m

Ảnh mô phỏng của loài tôm hùm khổng lồ Aegirocassis benmoulae.
Ảnh mô phỏng của loài tôm hùm khổng lồ Aegirocassis benmoulae.
Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Allison Daley thuộc trường Đại học Oxford (Anh) đứng đầu, đã phát hiện hóa thạch có niên đại 480 triệu năm của một loài tôm hùm khổng lồ ở Ma-rốc. Loài tôm hùm thời tiền sử này dài tới 2m, tương đương với kích thước của con người ngày nay. 

Loài tôm hùm mới được phát hiện thuộc họ anomalocaridid, tổ tiên sơ khai của những loài giáp xác, côn trùng và nhện ngày nay. Trong khi phần lớn thành viên của họ này là những loài giống như cá mập với miệng tròn và có nhiều răng sắc nhọn. 

Các nhà khoa học đã đặt tên cho loài tôm hùm khổng lồ này là Aegirocassis benmoulae theo tên của người săn hóa thạch ở Ma-rốc là Mohamed Ben Moula.

Hóa thạch tìm được cho thấy loài tôm hùm Aegirocassis benmoulae có các cặp vây nằm dọc cơ thể  giúp nó bơi dễ dàng, nhưng lớp vây này dần dần tiến hóa trở thành phần phụ ở những loài giáp xác hiện đại.

Giống như cá voi ngày nay, tôm hùm Aegirocassis benmoulae lọc nước biển để thu những phân tử nhỏ làm thực phẩm. Nó cũng được cho là loài động vật kiếm ăn bằng lọc nước biển lớn nhất từng phát hiện từ trước tới nay.

Tiến sĩ Allison Daley cho biết: “Đây là một trong những loài động vật lớn nhất sống vào thời kỳ đó. Những động vật đóng một vai trò sinh thái chưa từng có trước đó”.

Theo Theo Kiến Thức
MỚI - NÓNG