Phát hiện gây sốc về loài khủng long có mũi cao 9m

TPO - Sau một loạt các phát hiện được công bố về nhiều loài động vật cổ xưa, các nhà khảo cổ lại vừa tìm ra một loài khủng long mới mang tên Rhinorex condrupus với chiếc mũi khổng lồ.
Phát hiện gây sốc về loài khủng long có mũi cao 9m ảnh 1

Thực ra hóa thạch của loài khủng long kể trên được khai quật tại khu vực vách đá Book, Utah, Mỹ từ năm 1992. Tuy nhiên cho tới gần đây, những hóa thạch này mới được đưa vào phân tích bởi hai nhà khoa học là Terry Gates thuộc Đại học Bang Bắc Carolina, và Rodney Scheetz thuộc Đại học Brigham Young, Mỹ.

Họ đặt tên cho loài khủng long vừa được phát hiện là Rhinorex. Nó được cho là inh sống tại khu vực đầm lầy cổ thuộc Utah ngày nay từ khoảng 75 triệu năm về trước. Rhinorex thuộc họ khủng long mỏ vịt, giống như loài Gryposaurus. Tuy nhiên, Rhinorex có chiếc mũi cực kỳ ấn tượng: cao hơn 9 m và nặng khoảng 4 tấn.

Hai nhà khoa học đã tiến hành phân tích một số mẫu vật như hộp sọ, một phần bộ xương được bao bọc bởi sa thạch và kết cấu da hóa thạch.

“Nếu như loài khủng long này cũng giống như họ hàng của chúng, thì nhiều khả năng chúng không có khứu giác tinh nhạy,” nhà nghiên cứu Terry Gates cho biết, “nhưng có thể chiếc mũi đã được sử dụng như một phương tiện thu hút bạn tình, nhận diện các cá thể cùng loài, hay thậm chí chỉ là để đập nhỏ thực vật. Chúng tôi đã bắt đầu tìm thấy những manh mối nhằm giải đáp bí ẩn này.”

Bản thân chiếc mũi lớn của loài Rhinorex không phải là mối quan tâm chính của các nhà khoa học, mà điều quan trọng là những gì nó có thể hé lộ về các họ khủng long khác nhau, và về quá trình tiến hóa nói chung. Gates và Scheetz vẫn chưa chắc chắn liệu Rhinorex có sinh sống cùng thời với Gryposaurus hay không. Hóa thạch của Rhinorex cho thấy môi trường sống của loài này là khu vực cửa sông, trong khi loài Gryposaurus lại sinh sống tại những vùng đất cao ráo hơn.

Sự đa dạng về môi trường sống thời cổ đại là rất ấn tượng. Các hóa thạch được tìm thấy tại Utah có thể sẽ tiết lộ một số liên kết quan trọng giữa các loài khủng long từng sống ở khu vực này. Địa hình nơi đây đã ảnh hưởng tới sự phát triển của một số loài khủng long.

Vậy liệu Gryposaurus và Rhinorex có thuộc cùng một thời đại hay không? Điều này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, khoảng cách gần 250 km giữa môi trường sống của hai loài không phải là lớn. Một giả thuyết khác cho rằng Rhinorex chính là một con Gryposaurus bị đột biến trong quá trình di chuyển dần về phía biển.

Song, hai nhà cổ sinh vật học vẫn chưa đưa ra lý giải rõ ràng nào về chiếc mũi kì lạ của loài khủng long này. Nhưng nếu Rhinorex đúng là Gryposaurus đột biến, thì nó sẽ là hậu duệ của loài này, và sẽ có liên hệ tới loài Kritosaurus sinh sống về sau này.

MỚI - NÓNG