Tìm thấy mẫu tinh trùng hóa thạch có niên đại 17 triệu năm

Mẫu tinh trùng hóa thạch có niên đại 17 triệu năm. Ảnh: DM
Mẫu tinh trùng hóa thạch có niên đại 17 triệu năm. Ảnh: DM
Các nhà khoa học Australia vừa tìm thấy một mẫu tinh trùng hóa thạch cổ nhất thế giới, có niên đại 17 triệu năm, thuộc về một loài tôm cổ đại.

Mẫu tinh trùng hóa thạch cổ nhất và được bảo quản tốt nhất của thế giới, có niên đại cách đây 17 triệu năm, vừa được tìm thấy ở Australia.

Theo AFP, mẫu tinh trùng này thuộc về một loài tôm cổ, được phát hiện tại Di chỉ hóa thạch Riversleigh đã được xếp hạng Di sản thế giới. Di chỉ này nằm ở phía Bắc bang Queensland, nơi nhiều loài động vật tiền sử khác thường từng được tìm thấy.

Chúng gồm thú mỏ vịt khổng lồ có răng và kangaroo ăn thịt.

Mike Archer, nhà nghiên cứu thuộc Trường Sinh học, Khoa học Trái đất và Môi trường thuộc Đại học New South Wales, người đã tiến hành khảo cứu Riversleigh trong 35 năm qua, nói rằng mẫu tinh trùng là một phát hiện thú vị.

"Đó là mẫu tinh trùng hóa thạch cổ nhất từng được tìm thấy" - ông nói.

Tinh trùng được cho là dài hơn cả chiều dài cơ thể con tôm đực. Nhưng nó đã được cuộn chặt lại trong cơ quan sinh dục của con tôm cổ đại chuyên sống trong môi trường nước ngọt, còn được biết tới với tên ostracod.

"Chúng tôi thường quen với việc tìm thấy những bất ngờ thú vị ở đây" - ông nói về Riversleigh - "Nhưng phát hiện tinh trùng hóa thạch, gồm đầy đủ nhân tinh trùng, là điều không ngờ được. Giờ chúng tôi băn khoăn không biết còn điều đặc biệt nào khác đang được lưu giữ ở đó, chờ được khám phá".

Một nhóm nghiên cứu nằm dưới sự lãnh đạo của Archer đã thu thập các hóa thạch trong năm 1988 và gửi chúng tới John Neil, một chuyên gia về ostracod tại Đại học La Trobe ở Melbourne, người nhận ra rằng mẫu hóa thạch có chứa các mô mềm đã hóa thạch.

Ông đã nêu ra phát hiện và thu hút sự chú ý của vài chuyên gia châu Âu, gồm Renate Matzke-Karasz từ Đại học Ludwig Maximilian ở Munich và Paul Tafforeau từ Cơ sở nghiên cứu đồng vị phóng xạ châu Âu ở Grenoble, Pháp.

Một nghiên cứu dưới kính hiển vi cho thấy các hóa thạch có chứa phần nội tạng được bảo tồn rất tốt của ostracod, gồm bộ phận sinh dục của chúng. Trong các hóa thạch, người ta đã tìm thấy những tế bào tinh trùng cỡ lớn được bảo tồn hoàn hảo. Từ các tế bào này, người ta tìm thấy phần nhân đã từng chứa bộ nhiễm sắc thể và DNA của sinh vật.

Các nhà nghiên cứu, với kết quả được xuất bản trên tuần báo khoa học Proceedings of the Royal Society B, ước tính tinh trùng dài 1,3 mm, tức dài hơn 1 chút so với con tôm.

Archer nói rằng cách đây 17 triệu năm, khu vực nơi tìm ra các hóa thạch là một hang động nằm giữa một cánh rừng nhiệt đới rộng lớn, đa dạng sinh học.

"Những con ostracod bé nhỏ sinh sôi nảy nở tại một bể nước trong hang với nguồn thức ăn tới từ chất thải của hàng ngàn con dơi sống bên trong hang" - ông nói.

Tìm thấy mẫu tinh trùng hóa thạch có niên đại 17 triệu năm ảnh 1

Tranh vẽ mô tả hang động nơi loài ostracod sinh sống cách đây 17 triệu năm (Nguồn: DM)

Cộng sự của Archer là Suzanne Hand, một chuyên gia về dơi đã tuyệt chủng và vai trò sinh thái của chúng trong môi trường cổ của Riversleigh, nói rằng việc những con dơi liên tục phóng uế xuống bể nước đã làm tăng lượng phosphorous trong nước và thực tế này làm tăng khoáng chất trong mô mềm của những con tôm.

"Phát hiện tuyệt vời này ở Riversleigh đã lặp lại một số ví dụ về việc mô mềm (của mẫu hóa thạch) vẫn được bảo tồn tại một số di chỉ khảo cổ từng có đông dơi sinh sống ở Pháp" - bà nói - "Vì thế chìa khóa của việc bảo tồn vĩnh hằng mô mềm có thể là một số thành phần kỳ diệu nào đó nằm trong phân dơi".

Theo Theo Vietnam+
MỚI - NÓNG
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
TPO - Theo ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ -  hiện nay vẫn còn một số khu vực nội ô thành phố khi trời mưa 1-2 giờ sau nước mới rút, cho thấy do năng lực thoát nước của thành phố có vấn đề