Mất an toàn vệ sinh thực phẩm:

Phập phồng nỗi lo... nhập viện dịp Tết

Phập phồng nỗi lo... nhập viện dịp Tết
Những ngày cận Tết, lượng gia súc gia cầm giết mổ tăng vùn vụt, hàng kém chất lượng tràn lan, nỗi lo không hoàn thành "sứ mạng" đảm bảo ATVSTP cho người dân đang thường trực trong ngành chức năng TPHCM...
Phập phồng nỗi lo... nhập viện dịp Tết ảnh 1

Không phải bỗng nhiên hàng triệu người tiêu dùng TPHCM luôn phập phồng nỗi lo bệnh tật trong những ngày Tết.

Theo báo cáo mới đây của Chi cục Thú y TPHCM, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của TP hiện vào khoảng 900-1.000 tấn/ngày, tương đương với 650-700 con trâu bò, 10.500-11.500 con heo, 100.000-110.000 con gia cầm, 3.000.000 quả trứng, chưa kể số nguồn thực phẩm khác như thịt trâu bò nhập ngoại, thịt dê, thịt thỏ, thịt đà điểu.

Khả năng tự cung cấp của thành phố 15-20% nhu cầu thực phẩm tươi sống nguồn gốc động vật, còn lại nhập từ các tỉnh khác. Tuy không chú trọng chăn nuôi nhưng thời gian qua, TPHCM đã quan tâm nhiều đến việc giết mổ để đảm bảo phần nào việc kiểm soát "từ gốc" thực phẩm bằng việc chấm dứt hoạt động của 6 cơ sở và 6 điểm giết mổ không đảm bảo các điều kiện, sẵn sàng và xử lý nghiêm bất kỳ trường hợp nào giết mổ trái phép.

Hiện TP chỉ còn 34 cơ sở giết mổ, cung cấp 75% tổng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của người dân. Tuy nhiên trong những ngày cận Tết này, việc đảm bảo ATVSTP ở những cơ sở này đang khiến cả người dân lẫn cán bộ lo lắng.

Cụ thể theo Chi cục Thú y TPHCM, năm 2007 qua kiểm nghiệm 386 mẫu thịt tươi của các cơ sở giết mổ, tỉ lệ không đạt chỉ tiêu vi khuẩn E.coli 46,4%, Salmonella là 18,9% và Staphylococcus aureus 7,3%. Tỉ lệ nhiễm vi sinh trên quầy thịt tại cơ sở giết mổ cao hơn so với năm 2006 (năm 2006: 37,60%).

Kiểm nghiệm 874 mẫu bề mặt phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật tại các cơ sở giết mổ, tỉ lệ mẫu xét nghiệm không đạt chỉ tiêu vi sinh gần 70%, cho thấy tình hình vệ sinh tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển tại các cơ sở giết mổ vẫn chưa đạt yêu cầu...

Từ "bức tranh" trên, việc giảm thiểu tối đa 2 loại vi khuẩn thường gây nên bệnh tiêu chảy là E.coli (loại vi khuẩn gây bệnh cơ hội và đứng hàng đầu trong căn bệnh tiêu chảy) và Salmonella vẫn chưa hiệu quả, mặc dù bệnh dịch tiêu chảy đã và đang gây lo ngại trong dư luận.

Cần công khai cơ sở không đạt chuẩn

Suốt thời gian dài qua, khi những cơ sở giết mổ - nền tảng giảm thiểu thực phẩm nhiễm vi sinh gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng - vẫn không đảm bảo thì hy vọng sự thay đổi nhanh chóng để đảm bảo ATVSTP trong vài ngày Tết này là rất khó khăn. Trong khi đó, ngành thú y với lực lượng mỏng, khó lo xuể việc kiểm soát hết khâu "từ sản xuất đến bàn ăn".

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi năm hết Tết đến, còn đang phải "căng mình" ra ngăn chặn gia súc, gia cầm bất hợp pháp đang tìm mọi cách lọt vào TP. Vì vậy trong bối cảnh "nền tảng" đảm bảo VSATTP không ổn, nên chăng cơ quan chức năng TPHCM cần công bố những cơ sở giết mổ không đảm bảo.

Theo Ngô Sơn
Lao động

MỚI - NÓNG