Pháp phản đối ý tưởng NATO mở văn phòng liên lạc ở Nhật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Pháp không hào hứng với đề xuất Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng bước đi này sẽ là một "sai lầm lớn".
Pháp phản đối ý tưởng NATO mở văn phòng liên lạc ở Nhật ảnh 1

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: EPA)

Đã có những gợi ý, gần đây nhất là từ Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, rằng liên minh này sẽ mở văn phòng ở Tokyo, cũng là văn phòng đầu tiên ở châu Á, để đối phó với thách thức ngày càng lớn do Trung Quốc và Nga đặt ra.

Hợp tác quân sự Bắc Kinh và Moscow ở châu Á-Thái Bình Dương ngày càng tăng cường, gần đây nhất là cuộc tuần tra chung trên không ở khu vực biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, khiến Hàn Quốc và Nhật Bản phải điều động các máy bay chiến đấu để đáp trả.

Các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Trung Quốc bắt đầu từ năm 2019, xuất phát từ nhận thức chung về mối đe dọa từ Mỹ và các đồng minh.

Bất chấp những lời kêu gọi NATO cần hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh ở Đông Bắc Á, Pháp có vẻ miễn cưỡng ủng hộ bất cứ điều gì có thể gây căng thẳng giữa liên minh quân sự này với Trung Quốc.

“NATO là đại diện của Bắc Đại Tây Dương, và cả điều V và điều VI (trong Hiến chương của NATO) đều giới hạn rõ ràng phạm vi ở Bắc Đại Tây Dương”, một quan chức Pháp yêu cầu giấu tên cho biết.

“Không có văn phòng liên lạc nào của NATO ở bất kỳ nước nào tại khu vực. Nếu NATO cần nắm bắt tình hình ở khu vực, họ có thể sử dụng các đại sứ quán làm điểm liên lạc”, vị quan chức nói.

Phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno từ chối bình luận về phát biểu của ông Macron, chỉ nói rằng “nhiều cân nhắc” đang được tính đến trong NATO.

Theo hãng tin Kyodo, việc mở văn phòng tại Nhật Bản sẽ cần có sự nhất trí của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, nơi Pháp có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình để làm hỏng kế hoạch này.

Bắc Kinh phản ứng giận dữ với thông tin NATO mở văn phòng ở châu Á.

“Châu Á nằm ngoài phạm vi địa lý của Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, chúng tôi thấy NATO muốn tiến sang phía Đông vào khu vực này, can thiệp vào các vấn đề của khu vực và kích động đối đầu theo nhóm”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu tháng trước.

Ra đời như một tổ chức an ninh xuyên Đại Tây Dương để đối đầu với Liên Xô (cũ), NATO hiện nay đang cố gắng xác định vai trò của mình khi Trung Quốc trỗi dậy, đồng thời hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.

Tuần trước, ông Stoltenberg nói: “Những gì xảy ra ở châu Á cũng quan trọng với châu Âu và những gì xảy ra ở châu Âu cũng quan trọng với châu Á. Do đó, điều quan trọng hơn là các đồng minh NATO đang tăng cường quan hệ đối tác của chúng tôi với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Không nói cụ thể, ông Stoltenberg chỉ cho biết đã có “lời đề nghị” về việc mở văn phòng liên lạc của NATO và “chúng tôi đang xem xét khả năng thành lập văn phòng”.

Theo Financial Times, cá nhân ông Macron phản đối ý tưởng này. Tại một hội nghị diễn ra tuần trước, ông cảnh báo rằng việc mở rộng phạm vi địa lý của NATO sẽ là “sai lầm lớn”.

Giới chức Pháp cũng không hài lòng khi báo chí đăng thông tin này trước khi các thành viên NATO đồng ý.

Đầu năm nay, ông Macron có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ song phương. Sau đó, nhà lãnh đạo Pháp đưa ra phát biểu gây tranh cãi rằng châu Âu nên giữ khoảng cách với chuyện căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vì đảo Đài Loan.

Theo Guardian, FT
MỚI - NÓNG