Đội hình tuần tra chung trên không của Trung Quốc và Nga tháng 5/2022. (Ảnh: CCTV) |
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, cuộc tuần tra nằm trong kế hoạch hợp tác thường niên giữa hai quân đội. Quân đội Hàn Quốc cho biết đã điều các tiêm kích ra ứng phó sau khi bốn máy bay quân sự Trung Quốc và bốn máy bay quân sự Nga đi vào vùng nhận diện phòng không ở phía Nam và Đông bán đảo Triều Tiên.
Đợt tuần tra chung trên không gần đây nhất giữa Trung Quốc với Nga diễn ra vào tháng 11 năm ngoái. Khi đó, Hàn Quốc cũng phải điều tiêm kích ứng phó sau khi các máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc cùng máy bay ném bom Tu-95 và tiêm kích Su-35 của Nga đi vào vùng nhận diện phòng không.
Nhật Bản điều máy bay của họ sau khi máy bay ném bom Trung Quốc và hai máy bay không người lái Nga đi vào vùng trời trên biển Nhật Bản.
Các cuộc tuần tra chung trên không giữa Nga và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hai bên tiếp tục củng cố hợp tác song phương khi phải cùng đối phó với Mỹ và các đồng minh.
Trong chuyến tuần tra vào tháng 5/2022, các máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc áp sát không phận Nhật Bản khi Tokyo đang chủ trì hội nghị thượng đỉnh "Bộ tứ", khiến Nhật Bản báo động lực lượng, nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định các chuyến bay của họ không nhằm vào bên thứ ba.
Cuộc tuần tra diễn ra vài ngày sau khi Mỹ, Nhật Bản và Philippines triển khai cuộc tập trận ba bên đầu tiên trên Biển Đông.
Cuối tuần qua, một tàu chiến Trung Quốc áp sát tàu khu trục Trung Quốc đến mức chỉ còn cách hơn 100m, khi con tàu Mỹ và một tàu Hải quân Canada đang tuần tra chung ở eo biển Đài Loan.
Không lâu trước đó, một video cho thấy chiếc tiêm kích Trung Quốc vượt qua ngay trước mũi máy bay Mỹ, khiến chiếc RC-135 rung lắc mạnh khi đang bay trên Biển Đông.
“Các tàu và máy bay Mỹ vượt qua hàng ngàn dặm để khiêu khích ngay trước cửa nhà Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/6.
Trung Quốc cho rằng việc Mỹ “khăng khăng triển khai các hoạt động trinh sát và phô trương sức mạnh gần vùng biển và không phận của Trung Quốc không phải là bảo vệ quyền tự do hàng hải, mà thúc đẩy quyền bá chủ hàng hải và là một hành động khiêu khích quân sự trắng trợn”.