‘Đánh’ thuế nhà trên 700 triệu và những quy định 'trên trời’

Đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu thuế đối với nhà đất trị giá trên 700 triệu đồng đang gặp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận.
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu thuế đối với nhà đất trị giá trên 700 triệu đồng đang gặp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận.
TPO - Bán thịt trong vòng 8 tiếng; phạt 5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại ở cây xăng; ngực lép không được lái xe, ngực càng to càng được lái xe lớn...là những quy định chưa ra đời đã chết yểu vì xa rời cuộc sống thực tế. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế sở hữu với người có nhà, đất giá trị từ 700 triệu đồng trở lên khiến dư luận lại phát sốt.

Những quy định ‘trên trời’ tạm hiểu là những quy định xa rời đời sống không phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Khi một quy định ra đời không phù hợp với ý chí, nguyện vọng, nhân dân sẽ không chấp hành.

Về việc này, năm 2014, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy định pháp luật (Bộ Tư pháp), đã kiểm tra 3.887 văn bản do bộ ngành, địa phương ban hành và phát hiện ra 634 văn bản ban hành trái căn cứ, thể thức. Trong số này, số văn bản do bộ ngành ban hành là 46 và các địa phương là 588.

Điển hình năm 2013, Bộ Y tế ban hành quy định “ngực lép không được lái xe, ngực càng to càng được lái xe lớn”.  Theo đó, “muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy từ 50 cm3 trở lên (giấy phép lái xe hạng A1, B1) thì phải có vòng ngực trung bình không dưới 72 cm…”.

Khi vấp phải làn sóng phản ứng từ dư luận, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thời điểm đó phân bua “đến thời điểm hiện tại chưa có dự thảo nào được đưa ra như một số báo chí thông tin thời gian qua”. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y tế Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) bật lại, “bản dự thảo đã được Bộ Y tế thông qua, thậm chí đại diện nhiều bên đã họp bàn tới hai lần và đã thống nhất”.

Khi bị dư luận kịch liệt phản đối, quy định này đã bị  “tuýt còi”.

Ngoài ra, quy định, bán thịt trong vòng 8 tiếng, được dư luận bình chọn là gây tranh cãi nhất năm 2012, vừa ban hành đã gặp sự phản đối mạnh của người dân. Thêm vào đó là quy định, phạt 5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại ở cây xăng. Quy định này được ban hành vào tháng 8/2012 nổ ra tranh luận lớn trong dư luận. Bản thân quy định này cũng không thiết thực vì nhân viên cây xăng là người phát hiện ra nhưng không được phép xử phạt.

Tiếp đó là quy định “Cộng điểm thi Đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng”. Năm 2013 GD&ĐT ban hành Thông tư số 24 bổ sung ưu tiên cộng điểm thi đại học cho đối tượng là mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Quy định này ban hành gây xôn xao đàm tiếu gây cười trong dư luận, bởi các mẹ Việt Nam anh hùng nay đều đã 80 – 90 tuổi, liệu ai còn thi đại học nữa hay không? Sau khi quy định này ban hành được 12 ngày, trước sự đàm tiếu của dư luận, Bộ GD&ĐT đã phải ra thông tư bãi bỏ quy định này…

Và mới đây, Bộ Tài chính công bố Dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản.Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Bên cạnh đó, nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng, ôtô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền... cũng sẽ bị đánh thuế.

Với tất cả các phương án trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Những quy định trên được cộng đồng mạng gọi là quy định “trên trời” và cách gọi hài hước là quy định “trong phòng lạnh”, không thiết thực với đời sống thực tế.

Theo ý kiến một số chuyên gia, về nguyên tắc các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành pháp luật không được trái với hiến pháp và luật. Dư luận cho rằng, Toà án nhân dân  tối cao khi xét xử các vụ án cụ thể mà phát hiện ra văn bản của các bộ hoặc các địa phương trái với hiến pháp thì có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản đó.

Ngoài ra, khi cơ quan nhà nước cấp bộ trở xuống cho đến cấp địa phương khi ban hành văn bản pháp luật sai hoặc chậm, trực tiếp gây ra thiệt hại về vật chất cho công dân và doanh nghiệp thì có thể bị khởi kiện và phải bồi thường thiệt hại.

MỚI - NÓNG