Sự vận động ngoại giao tích cực của Bắc Kinh cho thấy nước này đang cố hoàn tất thỏa thuận trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tuyên thệ và có thể sẽ bắt tay với châu Âu trong chính sách với Trung Quốc.
“Trung Quốc sẵn sàng làm việc với EU để thúc đẩy hoàn thành sớm thỏa thuận đầu tư”, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời ông Lý nói với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Pedro Sanchez, ông Lý hứa sẽ hợp tác với EU để hoàn tất thỏa thuận, trong vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển xanh. “Trung Quốc hy vọng EU sẽ tiếp tục cung cấp môi trường kinh doanh công bằng, cởi mở và không phân biệt cho các công ty Trung Quốc”, Xinhua dẫn lời ông Lý.
Hai cuộc điện đàm của ông Lý diễn ra sau khi quan chức cấp cao của Pháp và Ba Lan phản đối thỏa thuận này, nêu ra vấn đề quyền của người lao động cũng như chuyện EU cần phối hợp với Mỹ để ứng xử với Trung Quốc.
“Chúng ta không thể tạo thuận lợi cho đầu tư vào Trung Quốc nếu chúng ta không cam kết xóa bỏ tình trạng lao động cưỡng ép”, ông Franck Riester, quan chức phụ trách thương mại trong Bộ Ngoại giao Pháp, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Monde.
Ông Riester gợi ý rằng thỏa thuận này có thể bị chặn nếu Bắc Kinh không ký các cam kết quốc tế về cấm lao động cưỡng ép.
“Nhiều nước chia sẻ quan điểm của chúng tôi, như Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. Tôi cũng biết Đức rất quan tâm đến vấn đề này”, ông Riester nói.
Hầu hết quyết định của EU đều cần sự đồng ý của Đức và Pháp, hai quốc gia đóng vai trò lãnh đạo của khối. Phát biểu của ông Riester cho thấy sự dè dặt của chính phủ Pháp, dù các nguồn tin ngoại giao nói rằng Berlin đang muốn hoàn tất thỏa thuận này.
Ông Riester xác nhận rằng thỏa thuận có điều khoản quy định EU sẽ phải mở cửa thị trường năng lượng cho các công ty Trung Quốc.
Ông nói rằng Brussels và Bắc Kinh chưa giải quyết được những bất đồng xunh quanh thỏa thuận.
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho rằng châu Âu nên tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc. “Chúng ta nên tham vấn thêm và minh bạch hơn để đưa đồng minh xuyên Đại Tây dương của chúng ta tham gia”, ông Rau nói.
Phát biểu của Ngoại trưởng Ba Lan được đưa ra sau khi ông Jake Sullivan, người được tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia, lên tiếng về thỏa thuận.
“Chính quyền Biden – Harris sẽ hoan nghênh việc tham vấn sớm với các đối tác châu Âu về những quan ngại chung của chúng ta về cách làm kinh tế của Trung Quốc”, ông Sullivan viết trên Twitter.