Ông Biden khiến mọi người phải ‘đoán già đoán non’ về chính sách Trung Quốc

Thế giới đang theo dõi xem liệu ông Biden có thay đổi chính sách với Trung Quốc. (Ảnh: FB)
Thế giới đang theo dõi xem liệu ông Biden có thay đổi chính sách với Trung Quốc. (Ảnh: FB)
TPO - Quá khứ công tác cho thấy Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden dễ thay đổi, có thể đối lập trong lá phiếu và lời nói, chưa thấy lập trường nhất quán về các vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh với Trung Quốc.

Các nông dân và chủ trang trại Mỹ đã biết một điều rất quan trọng về chính sách của chính quyền Mỹ tiếp theo đối với Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Joe Biden nói với báo New York Times rằng ông sẽ không vội vàng hạ thuế với hàng hóa Trung Quốc hay từ bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn một. 

Cũng từ phát biểu đó, mọi người hiểu rằng ông Biden muốn tập trung vào một số vấn đề nút thắt mà ông Trump nói sẽ xử lý khi đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Trung Quốc. Đó là những điều mà ông Biden gọi là “những cách làm lợi dụng”, như đánh cắp sở hữu trí tuệ, bán hàng phá giá, hỗ trợ cho các công ty một cách trái phép và ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. 

Cuối cùng, mọi người biết rằng ông Biden sẽ phối hợp với các đồng minh trong chính sách với Trung Quốc. Ông cho rằng một liên minh các quốc gia cùng hành động sẽ đạt được kết quả tốt hơn là Mỹ hành động một mình. 

Nhưng vẫn còn rất nhiều thứ mà mọi người vẫn chưa hiểu về cách chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ ứng xử với Trung Quốc. 

Một trong những điều quan trọng chưa rõ ông Biden sẽ xử lý những ưu tiên đối ngược nhau như thế nào. 

Nếu các cuộc đàm phán với Trung Quốc khiến ông Biden phải chọn giữa một bên là buộc Trung Quốc chấm dứt những cách làm lạm dụng với một bên là thúc ép Trung Quốc thực hiện những gì đã hứa trong thỏa thuận giai đoạn một để mua thêm hàng hóa Mỹ thì ông sẽ chọn bên nào?

Nếu các đồng minh của Mỹ muốn mềm mỏng hơn với Trung Quốc, ông Biden sẵn sàng bẻ cong đến đâu?

Nếu cái giá của việc khiến Trung Quốc cam kết mạnh mẽ hơn với chống biến đổi khí hậu là giảm bớt sức ép lên Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền, liệu ông Biden có sẵn sàng chấp nhận?

Nếu có được sự hợp tác lớn hơn của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên đòi hỏi Mỹ phải giảm bớt chỉ trích sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, liệu ông Biden có xuống nước?

Nếu hạn chế về ngân sách buộc ông phải chọn giữa mở rộng hiện diện quân ự của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương với bên kia là tăng cường đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nước, ông sẽ chọn bên nào?

Giữa hai phạm vi “tương tác” và “tách rời”, ông sẽ chọn bên nào? 

Các nhà quan sát cho rằng quá trình 36 năm ông Biden công tác tại Thượng viện và 8 năm làm phó tổng thống cho thấy ông có thể thay đổi tư tưởng và thỏa hiệp. Một ví dụ là ông khi còn là thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ trừng phạt Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền nhưng ông cũng đã bỏ phiếu để bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc. 

Theo phân tích của Viện nghiên cứu Trung – Mỹ ở Washington, “quá khứ công tác của ông Biden ở cơ quan lập pháp và chính phủ cho thấy ông dễ thay đổi, có thể đối lập trong lá phiếu và lời nói, chưa thấy lập trường nhất quán về các vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh với Trung Quốc”. 

Thomas Wright, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings, nhìn thấy các cố vấn của ông Biden chia rẽ giữa một bên ủng hộ khôi phục các chính sách của ông Obama và một bên ủng hộ thay đổi. 

Nếu đúng như vậy, chính sách của ông Biden với Trung Quốc sẽ nằm ở khoảng giữa hai hai phe, có thể với những mục tiêu giống ông Trump và chiến thuật giống ông Obama. 

Bất kể những nỗ lực lúc tranh cử nhằm khắc họa hình ảnh ông Biden là người nghiêng về Trung Quốc, Bắc Kinh không ảo tưởng rằng chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ nhẹ nhàng với mình. Trung Quốc đang chuẩn bị cho khả năng gia tăng đối đầu và lo rằng cách làm đa phương của chính quyền Mỹ mới sẽ càng tạo thêm cho họ áp lực. 

Dù Trung Quốc có thể đúng khi dự đoán về thái độ tiêu cực với họ sẽ còn tiếp tục, nhưng vẫn chưa biết thái độ đó sẽ biến thành chính sách cụ thể như thế nào. Thế giới sẽ vẫn còn phải chờ đợi. 

Theo theo AT
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.