EU có chọn cách quay lưng với Trung Quốc?

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2019 ảnh: CNN
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2019 ảnh: CNN
TP - Năm nay châu Âu rất bối rối về việc nên làm gì với Trung Quốc. Đầu năm, hai bên hy vọng sẽ chính thức hoá quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược tại một hội nghị thượng đỉnh ở Leipzig do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì, nhằm đạt được bước đột phá trong quan hệ EU - Trung Quốc. 

Nhưng đại dịch COVID-19 nổ ra khiến nghi lễ trải thảm đỏ đến tiếp đón lãnh đạo Trung Quốc cùng lãnh đạo 26 nước thành viên và quan chức EU được thay bằng hội nghị trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với bà Merkel cùng Chủ tịch Hội đồng và Ủy ban EU vào ngày 14/9.

“Rõ ràng việc tổ chức một hội nghị truyền hình chỉ với 3 lãnh đạo là một sự an ủi khập khiễng với Trung Quốc. Chúng tôi còn không biết liệu có thông cáo chung nào được đưa ra hay không”, ông Steven Blockmans, quyền giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu, nói với CNN.

Hầu hết các nhà phân tích về quan hệ EU - Trung Quốc đồng ý rằng 2020 là năm thảm hoạ trong khía cạnh này. Đó là không chỉ là việc Trung Quốc bị cáo buộc xử lý không đúng cách dịch COVID-19 khi mới bùng phát, khiến quan hệ với các nước bị tổn hại, mà các chính trị gia hàng đầu châu Âu buộc phải “suy nghĩ kỹ xem Trung Quốc đang muốn đóng vai trò địa chính trị như thế nào”, một nguồn tin từ EU nói.

“Trong quan điểm của chúng tôi, Trung Quốc đã tranh thủ khi phần lớn thế giới bị phân tán vì virus để đẩy mạnh những mục tiêu của họ ở những nơi như Hong Kong, Tân Cương và hành động khiêu khích trong các vấn đề quốc tế”, nguồn tin nói.

Tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm châu Âu để gặp các quan chức quan trọng trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra hôm nay. Thay vì nhận được sự chào đón nồng nhiệt như các phái đoàn Trung Quốc thường nhận được, ông Vương Nghị lần này phải nghe nhiều phàn nàn.

“Theo tôi nghĩ, đó là một thảm hoạ ngoại giao. Đáng chú ý nhất là ở Đức, nơi ông ấy bị khiển trách vì đe doạ một chính trị gia Séc đã đến thăm Đài Loan, bị thúc giục bỏ luật an ninh ở Hong Kong và thậm chí không có cơ hội gặp bà Merkel”, ông Blockmans nói. “Trong suốt chuyến đi, vấn đề Hong Kong, Tân Cương, những tuyên truyền của Trung Quốc về virus corona liên tục được nhắc đến. Những thứ đó ngược lại với điều bạn muốn thấy trong một chuyến đi ngoại giao”, ông Blockmans đánh giá.

Sự thất vọng đó đã được cảm nhận ở Bắc Kinh. Vào thời điểm chuyến thăm của ông Vương đang diễn ra, tờ China Daily của Trung Quốc có bài viết nói rằng Trung Quốc và EU “phải cùng ngăn chặn (Mike) Pompeo phá hoại ổn định toàn cầu”.

Quan hệ phức tạp

Năm 2019, Brussels công bố tài liệu về chiến lược của khối đối với Trung Quốc, trong đó gọi Bắc Kinh vừa là “đối tác chiến lược” vừa là “đối thủ hệ thống”. Đó là sự thừa nhận rằng nếu muốn có quan hệ chính thức sâu sắc với Trung Quốc, EU cần phải cân bằng giữa những thực tế đối lập nhau.

Điều khiến năm 2020 trở nên khó khăn là hành vi của Trung Quốc đã khiến vế “đối thủ hệ thống” trở nên nặng hơn, nhưng EU vẫn tin rằng quan hệ đối tác chiến lược là cần thiết.

Các nhà quan sát cho rằng lợi ích của Brussels ở Trung Quốc không chỉ là kinh tế. Rõ ràng đầu tư trực tiếp nước ngoài và tiếp cận thị trường là điều vô cùng hấp dẫn với các nền kinh tế châu Âu. Nhưng quan hệ mạnh mẽ với Bắc Kinh cũng giúp châu Âu có vị thế lớn hơn trong các vấn đề ngoại giao và biến đổi khí hậu, trong khi Trung Quốc là nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, những người chỉ trích sợ rằng chia rẽ chính trị, tham vọng địa chính trị và sự mong manh về kinh tế khiến châu Âu không được trang bị tốt để có thể hành động quyết liệt với Bắc Kinh. “Hội đồng châu Âu muốn tham gia vào các vấn đề và đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, như họ làm với Hong Kong gần đây. Nhưng kinh nghiệm cho thấy họ hiếm khi có hành động cứng rắn”, ông Benedict Rogers, chủ tịch tổ chức Hong Kong Watch tại London, đánh giá.

Ông cho rằng sự lưỡng lự của EU một phần do các quốc gia thành viên không nhất trí được cách ứng xử với Trung Quốc và một phần do sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, trong khi bản chất của EU là không muốn tạo kẻ thù.

MỚI - NÓNG