Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trước đó đã nói về sự cần thiết phải làm sống lại các mối quan hệ đồng minh nhằm tạo thành nguồn sức mạnh cốt lõi trong ứng phó với Trung Quốc.
Phát biểu tại một diễn đàn về năng lượng tại Bắc Kinh ngày 10/12, Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis nói rằng EU hy vọng nhất trí được với chính quyền Mỹ mới về chính sách với Trung Quốc. “Hãy hợp tác với Trung Quốc nhiều nhất có thể, khi nào có thể, khi nào Trung Quốc sẵn sàng hợp tác. Và hãy bất đồng với họ khi chúng ta phải làm điều đó”, Reuters dẫn phát biểu của Đại sứ Chapuis.
“Chúng ta cần có hiểu biết chung về việc phải nói “không” với những hành động bắt nạt và đe dọa, với ngoại giao chèn ép, với ngoại giao chiến binh sói”, ông nói.
Đại sứ Chapuis cũng kêu gọi các nước châu Âu phối hợp với Úc, New Zealand và ASEAN để “tìm quan điểm chung” về tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc có yêu sách phi lý trên hầu khắp Biển Đông và cảnh báo các nước chớ can thiệp vào quan hệ của họ với Đông Nam Á trong vấn đề này, trong khi tiếp tục quân sự hóa vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.
“Tự do hàng hải là điều quan trọng. Biển Đông không chỉ là vấn đề về Trung Quốc mà là một vấn đề quốc tế”, ông Chapuis nói.
Trong khi đó, ĐH Palacký Olomouc (CH Czech) và Viện nghiên cứu châu Âu về châu Á vừa công bố kết quả cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 9-10 năm nay để tìm hiểu quan điểm của dư luận ở 13 quốc gia đối với vị thế của Trung Quốc so với các cường quốc khác và những hành động của nước này trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Kết quả cho thấy về tổng thể, quan điểm của những nước này với Trung Quốc phần lớn là tiêu cực.
Có 60-62% người trả lời ở Đức, Pháp và Anh có quan điểm tiêu cực hoặc rất tiêu cực, trong khi chỉ có 16-19% có quan điểm tích cực về Trung Quốc. Các nước được khảo sát gồm CH Czech, Đức, Hungary, Ý, Latvia, Ba Lan, Nga, Serbia, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh.
Ngày 8/12, tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 về đại dương và Luật biển tại New York, Mỹ, đại diện các nước Mỹ, Đức và Úc công khai đề cập vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, bày tỏ quan ngại về các yêu sách pháp lý tại vùng biển này. Các nước khẳng định việc xác lập các yêu sách về quyền lịch sử và yêu sách lịch sử đối với tài nguyên biển, xác định đường cơ sở quần đảo và chế định các đảo phải phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông và nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế phù hợp với Công ước.