Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (3/12), trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước những hành động này của Trung Quốc, bà Hằng tuyên bố, mọi hoạt động tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nếu không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hủy bỏ và chấm dứt tổ chức các chuyến du lịch tàu ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình, đi ngược về Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông, cũng như quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông và quan hệ hai nước”, bà Hằng nói.
Bà Hằng tái khẳng định Việt Nam khẳng định có bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về việc Đài Loan tập trận bắn đạo thật xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa hôm 24/11, bà Hằng tuyên bố, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với đối với quần đảo này, đe doạ hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không được tiến hành hoạt dộng diễn tập trái phép nêu trên và không tái phạm trong tương lai”, bà Hằng nói.
Reuters gần đây dẫn các nguồn tin và tài liệu nói rằng chính quyền Trump chuẩn bị đưa thêm 4 công ty nhà nước Trung Quốc vào "danh sách đen" vì thuộc quyền sở hữu hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát, trong đó có CNOOC, chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 mà Bắc Kinh hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trước diễn biến này, bà Hằng nói Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác quan trọng của Việt Nam, nên Việt Nam luôn theo dõi các diễn biến trong quan hệ giữa hai nước. Đồng thời, “Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông được xác định dựa trên Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.