Năm qua cũng chứng kiến sự thay đổi của Mỹ theo hướng cứng rắn hơn, sự quan tâm lớn hơn của thế giới thể hiện trong hàng loạt công hàm, công thư gửi lên LHQ.
Đó là các ý kiến được nêu ra tại hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hoà bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động”. Hội thảo diễn ra từ ngày 16-17/11, do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức.
Theo các học giả, trong những tháng đầu xảy ra đại dịch COVID-19, thế giới chưa biết liệu tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu có dẫn đến những hành động nghiêm trọng và tiêu cực hơn trên biển Đông hay giúp tình hình hạ nhiệt vì các nước đều bận xử lý tình hình dịch bệnh trong nước. Nhưng đến giờ đã có đủ số liệu để nói tương đối chắc chắn rằng vế đầu tiên đúng.
Rõ ràng Trung Quốc đã gia tăng thông điệp quân sự và nhịp độ hoạt động trên vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh cũng thể hiện không muốn xuống thang trong những vụ việc đã xảy ra. Trong nửa đầu năm nay, những điều này xảy ra đồng thời với sự trỗi dậy của cái gọi là ngoại giao “chiến binh sói”, trong đó các nhà ngoại giao nước này trở nên nhạy cảm trước bất kỳ chỉ trích nào nhằm vào Trung Quốc trong vấn đề đại dịch, nhưng có vẻ bận tâm hơn đến việc củng cố chủ nghĩa dân tộc với dư luận trong nước hơn là muốn có thêm bạn bè ở nước khác.
Với Mỹ, các học giả cho rằng dường như nhịp độ hoạt động của hải quân Mỹ trên biển Đông, gồm hoạt động tuần tra tự do hàng hải, tập trận, chuyến thăm của các tàu, và nhiều ngày hoạt động trên vùng biển tranh chấp - chưa thay đổi đáng kể. Nhưng thông điệp công khai của Mỹ rõ ràng cứng rắn hơn. Đầu năm nay, bộ Ngoại giao Mỹ tham gia cuộc chiến công hàm tại LHQ sau khi Malaysia đệ trình hồ sơ về thềm lục địa mở rộng.
Đến tháng 7, ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố quan điểm mới rằng Mỹ coi bất kỳ hành động nào của Trung Quốc không phù hợp với phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 đều là trái pháp luật và sẽ có hành động đáp trả. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đưa 24 công ty nhà nước Trung Quốc liên quan đến hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hoá trên biển Đông vào danh sách trừng phạt.
Các quan chức Mỹ nêu vấn đề tranh chấp biển Đông quyết liệt hơn tại các diễn đàn toàn cầu và khu vực. Các học giả cho rằng nhiều hành động trong số đó là do cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền ông Donald Trump trước thềm bầu cử tổng thống, nhưng đã được xây dựng bởi các chuyên gia chính sách trong nhiều năm qua.
Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm đến khu vực
Đánh giá về tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối với tình hình biển Đông, nguyên thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động, có ý nghĩa địa chiến lược vì ở đây có những nền kinh tế và cường quốc hàng đầu, là động lực của nền kinh tế thế giới. Vì thế, Mỹ dù do ai lãnh đạo cũng phải gắn kết với khu vực, vẫn sẽ coi trọng khu vực này.
Mỹ ngày nay đã có nhận thức khác về Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã không còn “ẩn mình chờ thời”. Sự thay đổi về nhận diện lẫn nhau đang tạo ra cạnh tranh mới. Nếu tiếp tục lãnh đạo, ông Donald Trump sẽ vẫn theo đuổi chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đến nay đã có một loạt sáng kiến gắn với ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc để tạo ra không gian vừa hợp tác vừa bảo đảm xây dựng chuẩn mực ở khu vực.
Ông Vinh cho rằng cạnh tranh Mỹ - Trung chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục, dù có thể giảm nhiệt để loại bỏ những tác động của đại dịch và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nếu ông Joe Biden lên nắm quyền, dựa trên những quan điểm lập trường của đảng Dân chủ, những điều mà ông Biden từng ủng hộ, đặc biệt là 8 năm làm phó tổng thống cho tổng thống Obama, và những gì ông nêu ra trong quá trình tranh cử, có thể thấy ông có khả năng sẽ quay lại ngoại giao truyền thống, khôi phục tham vấn với các đồng minh, sử dụng nhiều hơn các thể chế đa phương.