Đợt tập trận La Perouse (đặt tên theo một nhà thám hiểm và sĩ quan hải quân người Pháp) được tổ chức lần đầu vào năm 2019 nhưng Ấn Độ không tham gia.
Đợt tập trận 3 ngày năm nay sẽ diễn ra từ ngày 5/4. Hoạt động này sẽ “tạo cơ hội cho 5 hải quân hiện đại và cùng chung chí hướng thúc đẩy gắn kết, mài sắc kỹ năng và thúc đẩy hợp tác trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, đại sứ quán Pháp ở New Delhi nói trong thông cáo đưa ra hôm 31/3.
“Bộ tứ" còn gọi là Quad (bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc).
Đợt tập trận diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các lãnh đạo "Bộ tứ" ngày 12/3, sự kiện được đánh giá là mang tính bước ngoặt đối với địa chính trị của châu Á. Tiếp nối là chuyến thăm Delhi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Bốn quốc gia "Bộ tứ" tập trận hải quân cùng nhau vào tháng 11/2020. Cùng với Pháp, bốn quốc gia chờ đợi sẽ nâng mức độ hợp tác lên tầm cao mới.
“Rõ ràng Trung Quốc sẽ theo dõi xem điều gì đang diễn ra gần mình, giống như việc họ làm nóng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong những năm gần đây bằng các hoạt động quân sự quyết liệt”, N.C. Bipindra, một nhà phân tích về quốc phòng và chiến lược của trang Defence.Capital nói với Nikkei Asia.
"Bộ tứ" và Pháp thường xuyên trao đổi tại nhiều diễn đàn về sự cần thiết phải bảo đảm tự do hàng hải trên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với ngụ ý nói về những yêu sách thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Có thể coi cuộc tập trận La Perouse là động thái của 5 quốc gia để tăng khả năng tương tác nhằm chuẩn bị cho nguy cơ khủng hoảng ở khu vực”, ông Bipindra nói.
Isabelle Saint-Mezard, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế của Pháp, nói rằng chiến dịch tập trận La Perouse gửi tín hiệu rằng Pháp “là một bên liên quan của các liên minh cùng chung chí hướng” để thúc đẩy tuân thủ pháp luật trên biển, tự do hàng hải, giải quyết hoà bình các tranh chấp và trật tự đa phương dựa trên luật lệ.
Vài ngày trước khi diễn ra La Perouse, hải quân Ấn Độ và Mỹ cũng tổ chức diễn tập ở vùng phía đông Ấn Độ Dương từ ngày 28-29/3. Phía Ấn Độ điều tàu khu trục tên lửa INS Shivalik và máy bay tuần thám biển tầm xa P8I, còn Mỹ đưa nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tham gia.
Với La Perouse, 2 tàu chiến Pháp Tonnerre và Surcouf sẽ góp mặt. Hai tàu tạo thành nhóm tác chiến Jeanne d'Arc này đã rời Pháp từ tháng 2 để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 5 tháng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, với mục đích đào tạo cho nhóm 148 sĩ quan hải quân Pháp.
“Tôi mong đợi cuộc tập trận La Perouse mà 2 tàu chiến Pháp sẽ cùng các tàu của Ấn Độ, Úc, Nhật và Mỹ để thể hiện chủ nghĩa đa phương trên biển và cam kết của chúng tôi đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain nói trong thông cáo đưa ra hôm 31/3.
Pankaj Jha, cựu phó giám đốc Ban thư ký hội đồng an ninh quốc gia Ấn Độ và hiện là giáo sư ngành quốc phòng và chiến lược tại ĐH O.P. Jindal Global, cho rằng mục tiêu của đợt tập trận này là xây dựng quan hệ trên 2 khuôn khổ: cơ chế 3 bên giữa Pháp – Úc - Ấn Độ, và "Bộ tứ" + Pháp trên Ấn Độ Dương.
“Pháp hiểu thực tế rằng Trung Quốc đang có một số hành động dưới biển, đặc biệt là ở khu vực các lãnh thổ của Pháp trên Ấn Độ Dương, nên họ muốn làm điều gì đó để răn đe và hợp tác”, ông Jha nói.