Mặc dù vậy, ba nước còn lại được cho là vẫn cảnh giác, đề phòng bị Mỹ kéo vào một khối thuần túy chống Trung Quốc, đặc biệt là khi xét đến mối quan hệ thương mại của mỗi bên với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hoạt động của nhóm “Bộ tứ”, chính thức là Đối thoại An ninh bốn bên, bao gồm các cuộc tập trận trong khu vực, đã mở rộng kể từ năm 2017, nhưng các nguyên thủ quốc gia của Bộ tứ chưa bao giờ tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Các nhà phân tích cho rằng cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 12/3 phản ánh những lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sự gắn kết xung quanh ý tưởng rằng cần hợp tác để đối phó, theo NPR.
Lavina Lee, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Macquarie của Australia, nói quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo lúc này là một “sự leo thang” rõ ràng nhằm vào Bắc Kinh.
“Đó là một cách nói với Trung Quốc: OK, chúng tôi đã thành lập Bộ tứ, chúng tôi hy vọng gửi cho anh một thông điệp, rằng chúng tôi có những lo ngại và chúng tôi hy vọng anh sẽ phản hồi bằng cách xuống thang trong một số lĩnh vực. Và điều đã diễn ra kể từ năm 2017 là Trung Quốc không hề lùi bước. Trên thực tế, họ đang leo thang chứ không phải làm ngược lại”, bà Lee nói.
Điều chung nhất của Bộ tứ là mỗi bên đều có xung đột hoặc đối đầu với Trung Quốc trên một số mặt trận. Varghese George, biên tập viên tờ The Hindu ở New Delhi nói: “Giới chính trị gia Ấn Độ hiện tại nhận thức sâu sắc về mối đe dọa từ Trung Quốc”. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đều có tranh chấp với Trung Quốc về một loạt các lĩnh vực.
Những hạn chế
Các nhà phân tích nhận định, mặc dù đã có những bước đột phá mới với hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên, nhưng những gì Bộ tứ có thể đạt được vẫn có những giới hạn.
Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại cơ sở Nhật Bản của Đại học Temple (Mỹ), nói rằng các chính trị gia Nhật Bản “thích nói cứng rắn về Trung Quốc ... Nhưng về mặt thể chế hóa Bộ tứ theo đường lối của NATO, tôi không thấy có khả năng điều đó xảy ra. Tôi không nghĩ rằng Tokyo muốn làm điều đó. Vì vậy, Bộ tứ, tôi nghĩ, trong tương lai gần, sẽ là một khái niệm thú vị, một tầm nhìn, một chiến lược, nhưng không nhanh chóng chuyển thành một dạng như NATO”.
Trong một bài báo được xuất bản cách đây ít ngày, hai học giả Evan Feigenbaum và James Schwemlein của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) tranh luận rằng Bộ tứ “thiếu mục đích và thiếu định nghĩa.”
“Nếu các quốc gia khác ở châu Á coi Bộ tứ không hơn một diễn đàn để thảo luận về những rủi ro tiềm ẩn do sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khi thỉnh thoảng tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, thì không chắc các nước khác sẽ thấy tiện ích của nó hoặc coi nó như một hình mẫu cho họ”, hai tác giả viết.
“Để dẫn đường, các quốc gia Bộ tứ phải chứng minh bằng hành động rằng họ đang đóng góp lớn vào việc giải quyết các thách thức lớn hơn về kinh tế, các vấn đề xuyên quốc gia và môi trường mà gần như tất cả mọi người ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bận tâm”.
Theo một phân tích trên Bloomberg, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đều lo lắng về sự bành trướng kinh tế và quân sự của Bắc Kinh nhưng họ vẫn cảnh giác với việc bị Mỹ kéo vào một khối thuần túy chống Trung Quốc, đặc biệt là khi xét đến mối quan hệ thương mại của mỗi bên với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vì vậy, Mỹ đang điều chỉnh phạm vi tiếp cận với Bộ tứ để nhấn mạnh cơ hội làm việc tập thể về nhiều vấn đề rộng lớn hơn, bao gồm cả chuyện chống đại dịch coronavirus và biến đổi khí hậu.
Khi được hỏi về cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi các nước kiềm chế, không tạo ra các khối. Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm qua, ông Triệu nói trao đổi giữa các chính phủ nên tạo ra sự hiểu biết và tránh nhắm mục tiêu vào bên thứ ba.