Phân quyền đầu tư mạnh hơn cho cấp tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH
TP - Sáng 8/12, tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Với Luật Đầu tư công, một số nội dung được sửa theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B, C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Luật Đầu tư được sửa để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Theo đó, Thủ tướng chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tổng kết đầy đủ, khách quan về thực trạng triển khai thi hành quy định hiện hành, đánh giá toàn diện các tác động của chính sách; tiếp tục chỉnh lý phương án quy định 3 hình thức sử dụng đất đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại Luật Nhà ở, bảo đảm tính chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng phát triển một cách tràn lan, manh mún, gây khó khăn cho Nhà nước trong việc thu hồi đất, quy hoạch phát triển các đô thị quy mô lớn, ảnh hưởng đến lợi ích xã hội.

Đề xuất giảm thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện

Liên quan đến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ cho biết, để khuyến khích đầu tư sản xuất, phát triển ô tô điện chạy pin, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Điều 9, dự thảo Luật bổ sung biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm 5 - 12% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành. Thời gian được đề xuất áp dụng trong 5 năm đầu kể từ khi luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành; từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).

Biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và sẽ được trình theo thủ tục rút gọn, trình ra Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới.

Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện loại 9 chỗ trở xuống là 15%; xe 10-16 chỗ là 10% và loại 16- 34 chỗ là 5%. Thẩm tra, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí sự cần thiết ban hành chính sách này, song vẫn cho rằng, cần cân nhắc về thời điểm sửa đổi.

Về mức thuế suất cụ thể, đa số ý kiến nhất trí với hướng thiết kế như đề xuất của Chính phủ, song cũng đề nghị chính xác lại các mức thuế suất trong dự thảo; bảo đảm các mức thuế suất trong 5 năm đầu bằng 20% mức hiện hành của ô tô điện, và từ năm thứ 6 là 75% của mức hiện hành. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng cho thời hạn khoảng 2- 3 năm.

Tư nhân được tham gia truyền tải điện dưới 500 kV

Liên quan đến sửa đổi Luật Điện lực, Chính phủ đề xuất sửa Điều 4 theo hướng, Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ. Việc để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được xem là một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay. Thẩm tra, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KHCN&MT đều đồng tình, song cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc khi mở cho tư nhân tham gia đầu tư lĩnh vực này.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần có đánh giá tác động về an ninh năng lượng, quốc phòng kỹ lưỡng hơn khi cho phép các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng truyền tải điện, nhất là các trạm, đường dây lưới điện 500 kV. Trước đây, nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, nếu mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, tức bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân định rõ, loại đường dây truyền tải điện nào nhà đầu tư tư nhân được làm, loại nào Nhà nước có quy hoạch, giao EVN làm.

Giải trình tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo luật sẽ nêu cụ thể vấn đề này. Các dự án lưới điện huyết mạch, quan trọng như đường dây 500 kV và 800 kV sẽ do Nhà nước đầu tư. Còn đường dây truyền tải dưới 500 kV (như đường dây 100 kV, 220 kV) thì cho phép tư nhân tham gia.

Bên cạnh đó, tư nhân khi đầu tư vào lưới điện truyền tải, phải tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng, chịu sự quản lý của Nhà nước về vận hành… “Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện chiếm hơn một nửa số dự án điện của tư nhân, nên không có lý do gì họ không đầu tư vào truyền tải điện. Họ rót vốn đầu tư dự án truyền tải, còn việc điều độ hệ thống điện vẫn do Nhà nước nắm giữ. Điều này đảm bảo hệ thống điện được vận hành hiệu quả, ổn định”, ông Diên lý giải.

MỚI - NÓNG