Pin tái chế vẫn liên quan đến môi trường
Sáng 8/12, tại phiên họp thứ 6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Nhiều nội dung được đề xuất trong lần sửa đổi này có tác động rất lớn đến chính sách và người dân.
Đáng lưu ý, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, báo cáo của Chính phủ cho biết, với mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Điều 9, dự thảo Luật bổ sung biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm từ 5- 12% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành. Về thời gian được đề xuất áp dụng trong 5 năm đầu kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành; từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
“Chúng tôi sẽ có đánh giá kỹ hơn về tác động, nhất là quan hệ giữa xe chạy bằng xăng dầu và xe điện chạy bằng pin”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra nội dung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt) đồng ý với sự cần thiết sửa đổi nội dung này của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, và nhất trí về thời điểm sửa đổi trước một bước. Một số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách này, song vẫn cho rằng, cần cân nhắc về thời điểm sửa đổi. Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2022.
Về đánh giá tác động của chính sách, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bổ sung đánh giá tác động trực tiếp và gián tiếp của việc điều chỉnh thuế đến ngân sách nhà nước; giải trình rõ thêm về đánh giá tác động đến môi trường đối với số pin đã hết thời hạn sử dụng và không còn có thể tái chế.
Đặc biệt, về mức thuế suất cụ thể, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với hướng thiết kế các mức thuế suất theo 2 bước như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chính xác lại các mức thuế suất dự thảo này; bảo đảm các mức thuế suất đối với ô tô điện trong 5 năm đầu bằng 20% mức hiện hành, và từ năm thứ 6 là 75% của mức hiện hành. Ngoài ra, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị chỉ áp dụng cho thời hạn khoảng 2- 3 năm.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, xe ô tô điện chạy pin là sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường, là cơ hội cho việc phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới, có nhiều tiềm năng để trở thành động lực tăng trưởng và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc có chính sách ưu đãi đủ dài để khuyến khích tiêu dùng và định hướng sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp này trong tương lai. Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc, thận trọng về việc áp dụng chính sách này đối với xe ô tô điện chạy pin nhập khẩu, vì đây là sản phẩm gắn liền dịch vụ sau bán hàng, trạm sạc, đổi pin và đặc biệt, trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc quản lý, xử lý pin”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Hiện xe ô tô chạy bằng điện được chia làm nhiều loại, như sử dụng nhiên liệu khí hydro, chạy pin và năng lượng mặt trời. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phải xem xét mối tương quan hợp lý giữa 3 loại xe chạy thuần điện. Với xe dùng khí hydro và năng lượng mặt trời, khi chạy không thải ra môi trường cái gì cả. Trong khi đó, xe dùng pin có nhược điểm hơn, vì sau này phải xử lý pin, dù tái chế thì cuối cùng vẫn có vấn đề liên quan tới môi trường.
“Liên quan tới việc xử lý pin, cần giải trình rõ hơn để báo cáo với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét kỹ cái này. Các đồng chí nói tái chế, nhưng tái chế mãi à? Cũng tới lúc phải thải đi, khi đó xử lý thế nào? Cái đó cũng cần phải nghiên cứu kỹ hơn”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định |
Đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị
Giải trình về thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô chạy điện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng cho biết, xe chạy điện có 3 loại và trong dự thảo chỉ đề xuất áp dụng với xe điện chạy pin, còn xe chạy bằng khí hydro và năng lượng mặt trời, thế giới mới đang nghiên cứu thử nghiệm. “Chúng tôi sẽ tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu với 2 loại xe này”, ông Hà nói.
Lý giải về đảm bảo môi trường, đại diện Bộ Tài chính cho biết, với phương án hiện nay, xe điện chạy pin có phương án thuê pin. Pin được quản lý tập trung, tái chế, nếu không thể sử dụng thì phải xử lý theo quy định quản lý môi trường. Ông Hà đề nghị các bộ liên quan hướng dẫn về việc này.
Về tác động tới ngân sách, theo Thứ trưởng Hà, thống kê sơ bộ số lượng xe và giá thì việc tác động tới ngân sách chưa cao, khoảng gần 800 tỷ đồng/năm. “Chúng tôi sẽ có đánh giá kỹ hơn về tác động, nhất là quan hệ giữa xe chạy bằng xăng dầu và xe điện chạy bằng pin”, ông Hà cho hay.
Về thời gian, một số ý kiến đề nghị áp dụng trong khoảng 2 -3 năm, sau đó tính theo thuế suất bình thường. “Theo chúng tôi, để thử nghiệm đưa xe điện chạy pin vào hoạt động cũng phải 5 năm, nên chúng tôi đề xuất cho áp dụng 5 năm, sau đó đề nghị cho áp dụng 75% mức thuế suất với xe xăng dầu”, ông Hà lý giải.
Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, đề xuất này có tác động lớn đến nhiều mặt, đặc biệt về ngân sách với 800 tỷ đồng mỗi năm, nên phải báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về nội dung này.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị làm rõ thêm một số nội dung về sự cần thiết, cấp bách, tính hợp lý về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô chạy bằng pin. Về toàn bộ dự thảo, Uỷ ban Thường vụ nhất trí triển khai theo thủ tục rút gọn, trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường tới đây.