Phận cúp long đong

Phận cúp long đong
TP - Ba lần thay tên, đổi họ; vài lần lùi hoãn thời gian tổ chức và nháo nhào đổi cả địa điểm đăng cai. Hiếm có chiếc cúp vô địch nào có số phận long đong, lận đận như AFF Cup (Tiger Cup trước đây)…
Phận cúp long đong ảnh 1
Tại AFF Cup mới có những trận thắng 11 - 0

Việc người Thái có bị tước quyền làm đồng chủ nhà AFF Cup 2008 hay không thực tế xuất phát từ điều kiện bất khả kháng: bất ổn chính trị ở Thái Lan. Tuy nhiên, sự cố ấy đủ khiến cho người ta thấu hiểu, AFF Cup là giải đấu long đong, lận đận đến chừng nào.

Nếu AFF Cup 2008 suôn sẻ, tuổi của giải đấu ấy sẽ bước đến năm thứ 12 với 7 lần tổ chức giải. Song, do số phận trắc trở của nó, không ít lần tưởng chừng như giải đấu này đã tan thành mây khói.

Năm 2006, sau khi Tiger Beer chia tay, AFF Cup lâm vào tình cảnh đói tài trợ thê thảm, buộc AFF phải tính tới, tính lui mới quyết định tổ chức giải. Tất nhiên là AFF đành phá bỏ mốc thời gian dự định giải đấu lớn nhất khu vực, lui quá sang năm 2007.

Trước đó, do những nguyên nhân khách quan, AFF buộc phải cầu viện đến nỗ lực “cứu giá” của Việt Nam thì giải đấu này mới diễn ra suôn sẻ. Bởi sau khi trao quyền đăng cai Tiger Cup 1998 cho Indonesia và Tiger Cup 2004 cho Campuchia, cả 2 quốc gia này đều gặp sự cố khiến họ phải buông cúp, buộc AFF chạy đôn chạy đáo mới tìm được kẻ thế vai.

Thực tế, việc AFF Cup rơi vào cảnh long đong, lận đận không có gì khó hiểu. Bởi lẽ, nó là giải đấu của khu vực có trình độ bóng đá thấp nhất thế giới, do đó, cung cách tổ chức lẫn sự tồn tại của nó, tất cả phải sống nhờ vào bầu sữa tài trợ.

Trong khi đó, tính bấp bênh và chất lượng không được cải thiện của bóng đá khu vực đã khiến cho các nhà tài trợ nhiều khi tỏ ra cực kỳ ngao ngán. Cho nên sau thời gian gắn bó, tất cả đều tìm cách bỏ của chạy lấy người.

Trường hợp Tiger Beer là ví dụ, bởi sau 8 năm gắn bó, công ty này đã chấp nhận bỏ luôn giải đấu mà họ là đồng sáng lập chỉ vì thấy chất lượng của nó cứ mãi giậm chân tại chỗ.

Người ta thấy, AFF đã tìm đủ mọi cách nâng tầm cho giải đấu lớn nhất trong khu vực. Cụ thể là cách thay đổi thể thức thi đấu, đá lượt đi- lượt về ở bán kết, chung kết thay vì đá kiểu knock-out trên sân đăng cai, nhưng xem chừng vấn đề lớn nhất của AFF Cup không phải là thể thức thi đấu mà chính là chất lượng.

Điều này thì AFF hay bất cứ nhà tài trợ nào có thể làm được, bởi trình độ bóng đá khu vực… chỉ có vậy.

Cúp long đong, lận đận đến bao giờ mới hết khổ ải? Quá khó, bởi sau hơn 1 thập niên ra đời, cái cúp ấy còn chưa “bơm” được đội bóng nào đủ tầm vượt khỏi cái ao làng Đông Nam Á…

MỚI - NÓNG