Phản cảm xe công

Phản cảm xe công
TP - Theo tính toán của Bộ Tài chính, cả nước hiện có gần 40.000 xe công và chi phí từ ngân sách nhà nước hằng năm cho việc sử dụng xe công khoảng 13.000 tỷ đồng. 13.000 tỷ đồng là nhỏ hay to? Chỉ cần tính nhanh cũng thấy ngay đó là gấp 10 lần số thu ngân sách của không ít tỉnh thành trong cả nước.

Nhưng con số chi thực cho việc sử dụng xe công chắc chắn còn lớn hơn nữa bởi rất nhiều chi phí “ngoài luồng” khác chưa được tính đúng, tính đủ. “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, lái xe công “ăn” từ xăng xe, từ các lần sửa chữa, bảo dưỡng và đủ loại chi phí khác. Chuyện đi 7 khai thành 15km, 50 thành 100km rồi dùng các chiêu hợp thức hóa rất phổ biến trong giới lái xe công và có điều chỉnh, trả về thực tế được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ông sếp, với quyết định phần nhiều cảm tính, du di, “trông mặt mà bắt hình dong”, bởi suy cho cùng, với chế độ xe công, tiền chi ra chẳng phải của lái xe (đương nhiên), cũng chẳng phải của người duyệt chi, mà là tiền chùa, tiền “cả làng”.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương nói rằng chi phí cho xe công lớn “khủng khiếp” nhưng Quốc hội, bộ ngành bàn đi bàn lại bao nhiêu năm vẫn không ra vấn đề gì, tình hình vẫn ngày càng nghiêm trọng. Vì sao lại như vậy? Ông Cương chưa nói thẳng ra, nhưng những gì ông tiết lộ cũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn xe công là bởi chẳng ai có trách nhiệm “chê” xe công, chẳng ai chịu từ bỏ đặc quyền đặc lợi ấy.

Quan chức chính quyền mê xe công đã đành, nhưng ngay cả những người đại diện cho dân trong cơ quan dân cử lớn nhất là các đại biểu Quốc hội, cũng thích sử dụng xe công. Tất cả những đối tượng ra quyết định sử dụng xe công, đối tượng được thụ hưởng từ xe công đến cơ quan giám sát dân cử đều không chê xe công thì làm sao vấn nạn xe công được giải quyết? Người ta có nêu ra những cái khó khi “không còn xe công” như cản trở công việc, tắc đường, kẹt xe, bến đậu, xe ưu tiên… Nhưng có thể nói rằng những lý do ấy đều là ngụy biện bởi ở nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao hơn ta như các nước Bắc Âu, Nhật Bản… rất hạn chế chuyện xe công nhưng không thể nói vì thế mà công việc của họ đình trệ, việc quản lý xã hội của họ gặp khó khăn hơn ta.

Và cũng không thể tiếp tục những cung cách cải lương là kêu gọi sự tự giác, tự nguyện của các đối tượng đang được hưởng chế độ xe công. Tất cả phải được thể chế hóa.

Sẽ rất phản cảm với những con số khổng lồ chi cho bộ máy mà hiệu quả quản lý kinh tế- xã hội còn rất nhiều vấn đề và tình trạng này kéo dài càng làm xói mòn niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền.

MỚI - NÓNG