Khóc được thì cứ...

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh khóc trong buổi họp báo. Ảnh: Quốc Ngọc.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh khóc trong buổi họp báo. Ảnh: Quốc Ngọc.
TP - Ông giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An vừa bật khóc với  báo chí, thì đến lượt ông giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng rơi lệ trong cuộc họp báo sau đó.

Tất nhiên không phải tự nhiên mà khóc. Ông miền Trung gạt nước mắt thanh minh vụ sai phạm gần 800 triệu đồng là có lý do khách quan, chứ bản thân không hề “ăn chặn” tiền ăn và quần áo, chăn màn của người điên, người già neo đơn. Còn ông miền Nam thì nghẹn ngào khẳng định không “say xỉn trong giờ làm việc”, cũng không “đá trách nhiệm, đuổi phóng viên” như có bài báo quy kết. Bởi ông vừa làm bác sĩ, vừa là thầy dạy, nên luôn ý thức làm gương cho đồng nghiệp, học trò…

Khá bất ngờ sau nước mắt đàn ông, có không ít người quay sang “thông cảm” với ông giám đốc coi quản người nghèo. Rằng ông ấy từng là người lính… Rằng với cơ chế quản lý sổ sách, chi tiêu hiện thời, nhiều sự vụ công cán rành rành mà không chi được, phải biến báo. Thử hỏi kế toán cả nước này xem có từng bao nhiêu lần làm việc này?! Người ta còn bảo, thời nay lấy 1 triệu không khéo đi tù, nhưng bỏ túi cả tỷ đồng, nếu xoay được hoá đơn thì vẫn OK. Hơn nữa, nhìn vào nhà cửa ông ấy mà xem, cám cảnh quá, kẻ biết moi móc, chặn bớt đâu có thế…

Nước mắt ngành y, chính Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng rơi nước mắt tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hồi tháng 4 năm ngoái. Nhưng khác với ông giám đốc sở nọ khóc vì bị “oan” về tác phong và phát ngôn, thì nước mắt của bộ trưởng rơi vào áp lực chuyên môn, khi dịch sởi lúc đó đang hoành hành, cướp đi sinh mạng của hàng trăm trẻ em. Bà nói thẳng với báo chí, rằng không thể từ chức lúc này được vì đang phải cùng toàn ngành tập trung cao nhất để giành giật sự sống cho các cháu! 

Phiên tòa xử các cựu quan chức nhận “lót tay” 11 tỷ đồng từ dự án đường sắt vừa tuyên án, nhiều nước mắt tuôn xuống vành móng ngựa...

Ừ, khóc được thì cứ khóc. Là nhại câu thơ “Nắng được thì cứ nắng” của cụ Phan Khôi. Cụ viết bài thơ “Nắng chiều” trong một chiều thu muộn Hà Nội, ngay trước khi dông bão trút xuống đời mình và bạn hữu, với vụ “Nhân văn”... Nỗi lòng của kẻ sĩ trong những tháng ngày đầy nghịch cảnh.

Bộ trưởng phụ trách ngành nông nghiệp vừa thốt lên: “Tôi thấy lạnh xương sống” khi biết chuối được ngâm vào thuốc diệt cỏ để bán. Đây là việc quá độc ác, tôi không thể tưởng tượng được!”. Tư lệnh ngành còn vậy, dân thì sao đây? Khóc được không!!

Thấy các diễn viên hài người vài chục tỷ, người cả trăm tỷ đồng thu nhập mỗi năm. Nhiều tập đoàn nhà nước dềnh dàng công sở, nhà xe, nhân sự cả ngàn người, lợi nhuận chắc chưa bằng con số lẻ của mấy anh hề (xin lỗi, ở đây không hề có ý xúc phạm, chỉ dùng cách gọi của người xưa và dân gian) mà công cụ sản xuất chỉ có nhõn cái…miệng!.

Hỏi, sao thời nay hề sống dễ thế?

Thì đã đúc kết rồi. Thời nào mà mấy anh hề thịnh vượng, chính là thời của nhiều nước mắt…

MỚI - NÓNG