Bất bình
Độc giả Văn Minh Quang bức xúc cho rằng: “Cần phải nghiêm trị tất cả những công ty sản xuất phân bón giả, làm thiệt hại đến tài sản, tinh thần của người nông dân. Phải truy tố, bồi thường đầy đủ (tiền phân bón và tiền thiệt hại mùa màng) cho nông dân. Đồng thời xử lý nghiêm tất cả những cơ quan đã kiểm định và cấp phép cho công ty sản xuất phân bón giả. Có như vậy mới đủ sức răn đe.” Cũng theo độc giả này, “lý do duy nhất là làm việc và xử lý không nghiêm nên các công ty làm phân bón giả vẫn lộng hành.”
Độc giả Nguyễn Sơn Anh chia sẻ: ”Lại khổ cho nhà nông! Cần xử lý nghiêm minh và thu hồi giấy chứng nhận, công khai cho dân biết để tránh mua phải hàng kém chất lượng.”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - người từng nêu sự việc phân bón giả tại diễn đàn Quốc hội, đề nghị mở rộng điều tra trong việc cấp phép sai, vì “con số 815 loại phân bón như đã nêu, tôi cho rằng đó không phải con số cuối cùng”.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị An bày tỏ: “Là cơ quan quản lý Nhà nước, lại hiểu chuyên môn mà lại đi tiếp tay cho những chuyện đó thì chính là một loại tội. Tội này phải xử lý rất mạnh, đưa ra tòa chứ không chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính, hay cách chức đơn thuần”.
Cần có giải pháp
Trước tình trạng nhức nhối này, nhiều chuyên gia đã “hiến kế” để hạn chế tình trạng phân bón giả hoành hoành.
Trao đổi với Tiền Phong, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia lâu năm về phân bón cho rằng “làm sao để trên thị trường chỉ cần 100 loại phân bón, nhưng có sự tự cạnh tranh bằng chất lượng. Chúng ta kiểm soát xem doanh nghiệp nào, nhà máy đạt tiêu chuẩn, về con người, trình độ, trang thiết bị công nghệ… để sản xuất ra loại phân bón đó thì cho tồn tại. Việc kiểm tra giám sát cũng rất nhanh, không đạt yêu cầu thì phạt.” Ông Nghĩa cũng khẳng định hiện nay, trong quản lý phân bón, chắc chắn có tồn tại lợi ích nhóm “nhưng để chứng minh tỉ mỉ thì chưa thể”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đưa ra những giải pháp mang tính quyết liệt: “Thứ nhất, xung quanh sai phạm này phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật. Không chỉ xử lý đơn vị trực tiếp cố tình vi phạm pháp luật như ở Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia mà còn cả đối với các các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai, cần xem xét lại tất cả các loại phân bón, giảm số lượng lưu hành trên thị trường, đồng nghĩa với việc tất cả những loại được lưu hành phải là các sản phẩm chất lượng. Các cơ sở phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được phép sản xuất và kinh doanh. Bây giờ cấp phép cho quá nhiều doanh nghiệp, hệ thống phân phối chằng chịt, người nông dân khó phân biệt được phân bón nào tốt, phân bón nào kém chất lượng. Nếu cứ nghe quảng cáo thì loại nào cũng đạt tiêu chuẩn Mỹ, Anh, Pháp hết, trong khi công nghệ sản xuất lại chỉ bằng xô chậu, cuốc, xẻng”.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị An cũng đề nghị các cơ quan quản lý làm rõ trách nhiệm, truy đến cùng và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để thông tin này đến được tới nông dân, vì họ là người trực tiếp đi mua và bị lừa.