Phải tuyển nhiều nguyện vọng bổ sung vì tỷ lệ nhập học thấp

Tân sinh viên nhập học đầu năm học mới 2014-2015 tại một trường đại học ở TPHCM.
Tân sinh viên nhập học đầu năm học mới 2014-2015 tại một trường đại học ở TPHCM.
Thời điểm này, lẽ ra các trường “chốt” xong kỳ tuyển sinh năm 2014, và bắt đầu vào năm học mới. Nhưng, vẫn còn nhiều trường tiếp tục “thấp thỏm” chờ thí sinh trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, vì tỷ lệ nhập học thấp bất ngờ.

Gần cuối tháng 9 nhưng không riêng gì ở các trường ngoài công lập, nhiều trường ĐH công lập vẫn tiếp tục xét thêm nguyện vọng bổ sung (NVBS) đợt 2. Từ ngày 10-12/9, trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đón tân sinh viên vừa trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh năm 2014-2015 đến nhập học.

Tuy nhiên sau đó trường này tiếp tục thông báo xét tuyển NVBS đợt 2 với 200 chỉ tiêu hệ ĐH và 60 chỉ tiêu hệ ĐH chất lượng cao. Thời gian xét từ 17/9 đến hết ngày 1/10 với điểm sàn xét tuyển bằng với điểm chuẩn trúng tuyển NV1.

Trường ĐH Ngân hàng TPHCM ban đầu chỉ xét tuyển NVBS trình độ CĐ ngành Tài chính - Ngân hàng. Cuối tháng 8, trường đã bắt đầu đón tân sinh viên đến nhập học. Thế nhưng đến ngày 11/9, trường phải thông báo tiếp tục xét tuyển NVBS ở 3 ngành trình độ ĐH với tổng cộng 250 chỉ tiêu.

Tương tự, tới ngày 17/9, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM cũng phải công bố tuyển thêm 480 chỉ tiêu NVBS ở 4 ngành đào tạo hệ ĐH của trường sau khi lượng thí sinh nhập học thấp. Nếu như mọi năm tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học chiếm khoảng 80% thì năm nay tỷ lệ đạt chưa tới 70%.

Cùng tình trạng này, năm nay tỷ lệ thí sinh nhập học của trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chỉ được hơn 60%, riêng nhiều ngành tuyển khối B số đến nhập học chiếm không tới 50%.

Đó là điều lạ đối với các trường trong mùa tuyển sinh năm nay vì thông thường trước khi đưa ra điểm chuẩn trúng tuyển hội đồng tuyển sinh đã tính toán và dự phòng sẽ có lượng thí sinh ảo. Với kinh nghiệm làm tuyển sinh nhiều năm nhưng Ths Hứa Minh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing cũng nhìn nhận rằng “thấy bất ngờ vì tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhập học quá thấp, không hiểu thí sinh đi đâu”.

Rút kinh nghiệm, khi xét tuyển NVBS, nhiều trường đề phòng tình trạng thí sinh tiếp tục ảo bằng cách xác định điểm trúng tuyển không cao, gọi số lượng trúng tuyển nhiều gấp 2,3 lần. Tuy nhiên làm cách này cũng “lợi bất cập hại” vì lỡ thí sinh nhập đủ thì khả năng vượt quá chỉ tiêu, dễ bị Bộ GD “tuýt còi”.

Cũng vì lo như thế nên trường ĐH Kinh tế TPHCM vẫn lấy điểm chuẩn năm nay cao hơn năm ngoái và chấp nhận thiếu gần 300 chỉ tiêu còn hơn tuyển vượt mà bị Bộ phạt.

Nếu như đầu mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, thông tin lượng hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh trên cả nước giảm chỉ còn hơn 1,4 triệu hồ sơ khiến nhiều trường khấp khởi cho rằng tỷ lệ ảo giảm, thí sinh sẽ nhập học với tỷ lệ cao hơn. Tuy nhiên, tình hình thực tế của nhiều trường hiện nay đã trái ngược hoàn toàn.

Theo lý giải của một chuyên gia tuyển sinh tại TPHCM thì tình hình thí sinh trúng tuyển ảo năm nay là bài toán không thể giải quyết đối với thi tuyển sinh “3 chung”. Chuyên gia này cho rằng có một số nguyên nhân khiến tỷ lệ trúng tuyển ảo tăng. Thứ nhất có thể nhiều thí sinh đăng ký và dự thi cả hai đợt gồm đợt 1 (khối A, A1) và cả đợt 2 (khối B, C, D1).

Nguyên nhân thứ hai có thể do phổ điểm năm nay rộng nên nhiều thí sinh trúng tuyển cả 2 khối thi nhưng chỉ chọn 1 trường để nhập học. Một nguyên nhân khách quan khác là có thể trong số thí sinh đã trúng tuyển nhưng chọn học các chương trình quốc tế hoặc nhận học bổng du học ở các chương trình nước ngoài.

Bên cạnh các trường công lập thì nhiều trường ngoài công lập tiếp tục xét tuyển NBVS với rất nhiều chỉ tiêu. Cụ thể như Trường ĐH Công nghệ TPHCM xét tuyển NVBS đợt 2 đến hết ngày 29/9 với tổng cộng 1.200 chỉ tiêu; ĐH Văn Hiến xét tuyển 1.000 chỉ tiêu NVBS đợt 2; CĐ Đại Việt vẫn còn tới 1.500 chỉ tiêu để xét tuyển NVBS đợt 2.

Theo Lê Phương

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG