Phải tiêu diệt toàn bộ thủy cầm thả rông

Phải tiêu diệt toàn bộ thủy cầm thả rông
Trong tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, TS Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã khẳng định: Phải tiêu diệt toàn bộ thủy cầm thả rông...
Phải tiêu diệt toàn bộ thủy cầm thả rông ảnh 1
Vịt thả đồng ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Xử lý vịt chạy đồng ra sao, Tiền Phong  trao đổi với TS Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, được biết Bộ NN&PTNT vừa đệ trình Chính phủ kế hoạch đặc biệt tiêu hủy toàn bộ đàn vịt thả rông?

Để đảm bảo khống chế dịch bệnh cúm gia cầm chủng độc lực cao ở Việt Nam vào năm 2007 và dự kiến thanh toán dịch bệnh vào năm 2010, không còn cách nào khác.

Ngay từ trước khi xảy ra đợt dịch thứ tư này, nếu chúng ta tiêu diệt toàn bộ đàn thủy cầm mà cụ thể là vịt thả rông, chắc dịch không đến nỗi lây lan như hiện nay và để lại hậu quả khôn lường trong thời gian tới.

Chúng tôi cũng từng khuyến cáo lộ trình mềm dẻo giảm dần đàn thủy cầm chạy rông thông qua việc ngưng ấp trứng và cho tiêu thụ vịt thương phẩm. Nếu làm đúng như khuyến cáo, số lượng thủy cầm đến nay có thể chỉ còn 30 triệu con.

Nhưng, tính đến ngày 4/12/2005, có tới 61 triệu con vịt được tiêm phòng. Điều đó cho thấy khuyến cáo của chúng tôi hầu như không được thực hiện.

Bằng mọi giá, sang năm 2006 phải ngừng ấp toàn bộ trứng vịt. Tiến tới sẽ tiêu hủy toàn bộ số thủy cầm thả rông. Việc tiêu diệt vịt 30 - 45 ngày tuổi được thực hiện theo hai hướng.

Thứ nhất, sẽ hỗ trợ tiêu hủy những con dương tính với virus H5N1, những đàn gần ổ dịch và những nơi không tiêu thụ được sản phẩm. Thứ hai, số còn lại đưa vào lò giết mổ tập trung và việc này miền Nam làm có vẻ tốt hơn miền Bắc.

Tại sao nhất thiết phải áp dụng biện pháp cực đoan ấy, thưa ông?

Về thống kê mà nói, tỷ lệ dương tính huyết thanh ở đàn thủy cầm ngày càng cao. Đợt dịch thứ nhất từ tháng 12/2003 đến ngày 30/3/2004, số vịt mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy chỉ chiếm 23% tổng đàn gia cầm mắc bệnh, chết, và bị tiêu hủy.

Đợt dịch thứ hai từ tháng 4-11/2004 - thời gian của cuối đông, mùa hè và mùa thu - tỷ lệ đó giảm còn 10%. Nhưng đợt dịch thứ ba từ tháng 12/2004 đến tháng 5/2005, thời gian chủ yếu rơi vào mùa đông- tỷ lệ đó vọt lên 45%, cao gần gấp đôi so với gà. Phải chăng chủng virus gây bệnh trên thủy cầm có khả năng tăng độc lực vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp.

Dựa vào các ổ dịch xuất hiện gần đây và kết quả nghiên cứu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc tế (CDC), các nhà khoa học đều chung nhận định vịt là nguồn tàng trữ mầm bệnh tự nhiên và từ vịt, virus có thể truyền lan trực tiếp và gây bệnh cho gà, không cần thời gian để virus biến đổi.

Giám sát dịch tễ ở nước ta thời gian qua cho thấy đúng điều đó, loại hình chăn nuôi hỗn hợp các loại gia cầm, nhất là với vịt, mắc dịch nhiều hơn so với các loại hình khác. Vịt thực sự trở thành vật cản rất lớn trong công cuộc phòng chống và tiêu diệt bệnh cúm gia cầm.

Chính vì thế, khi xác định bốn con đường lây lan của dịch, ngoài con đường lây lan từ các ổ dịch cũ không được tiêu độc khử trùng triệt để, các chuyên gia đều xác nhận vai trò của thủy cầm, nhất là vịt, vật mang virus với biểu hiện lâm sàng bình thường và là nguồn gây bệnh cho cả gà và người.

Tại sao ta không áp dụng biện pháp tiêm phòng như của Trung Quốc cho đàn thủy cầm?

Thứ nhất, đàn vịt không nhiều lắm so với tổng đàn gia cầm hơn 220 triệu con. Thứ hai, tuyệt đại đa số vịt ở nước ta là nuôi thả rông, cho chạy đồng ở những vùng trồng lúa sau thu hoạch hoặc vùng có nhiều kênh rạch.

Điều đó đồng nghĩa với khó khăn đủ thứ, từ kiểm soát dịch bệnh đến tổ chức tiêm vaccine. Một con vịt phải được tiêm hai mũi và sau 20 ngày mới có hiệu quả. Lấy ví dụ tỉnh Hải Dương có hai triệu con vịt nhưng đến nay mới tiêm được 500.000 con.

Thứ ba, hiểu biết của chúng ta về mặt virus học với dịch bệnh trên thủy cầm hầu như chưa có. Chẳng hạn, chúng ta chưa lý giải được vì sao chủng virus gây bệnh trên thủy cầm có khả năng tăng độc lực vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp.

Chính vì tiêm cho vịt không hiệu quả mấy nên chúng tôi không cho tiêm vịt thịt nữa. Thay vào đó chỉ tiêm cho vịt giống và vịt đẻ. Với số vịt giống dưới một tháng tuổi, phải tiêu hủy triệt để.

Có nghĩa là việc nuôi vịt chạy đồng sẽ phải chấm dứt và mai đây chúng ta sẽ không có vịt mà ăn nữa?

Vịt vẫn có thể phát triển tiếp tục với điều kiện phải nuôi tập trung. Cho đến thời điểm này, cả nước mới có một mô hình chăn nuôi tập trung vịt có hiệu quả. Đó là Cty Huỳnh Gia Huynh Đệ của người Việt gốc Hoa trong TP HCM.

Xin cám ơn ông!

MỚI - NÓNG
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.