Gian nan thu hồi tài sản tham nhũng - Bài cuối:

Phải kiểm soát tài sản mới thu hồi được

Phong bì tuy là tham nhũng vặt nhưng cũng rất nhức nhối. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Phong bì tuy là tham nhũng vặt nhưng cũng rất nhức nhối. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trả lời PV Tiền Phong về câu chuyện thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay đạt tỷ lệ rất thấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh: Chỉ có thể thu hồi được tài sản tham nhũng khi chúng ta kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và mọi thanh toán phải minh bạch.

“Điều tôi quan tâm là phải sớm tính đến việc công khai bản kê tài sản của cán bộ, công chức càng rộng rãi càng tốt. Trước hết là công khai tại nơi cư trú, nơi công tác. Có công khai người dân mới biết hằng năm tài sản thu nhập của ai đó tăng, giảm ra sao”,  ông Lê Như Tiến nhìn nhận.

Kiểm soát tài sản quan chức

Thưa ông, câu chuyện thu hồi tài sản tham nhũng luôn là vấn đề nóng bỏng - nhưng vì sao việc thu hồi thường đạt rất thấp. Dư luận cho rằng, trong không ít vụ việc, vụ án tham nhũng khi phát hiện thì tài sản đã bốc hơi từ lâu?

Tham nhũng thường xảy ra trong môi trường không minh bạch về tài sản, thu nhập. Chúng ta đã có quy định về kê khai tài sản, nhưng tôi phải nói rằng, kê khai như thế rồi cho vào ngăn bàn thì không có tác dụng mấy. Vì khi đó, người dân không thể giám sát được là cá nhân nào đó có bao nhiêu nhà, đất, xe cộ; và nhà đất, xe của anh tăng giảm, chuyển dịch ra sao.

Vấn đề thứ hai, phải thu hẹp diện cán bộ phải kê khai tài sản. Thu hẹp để có điều kiện làm thật tốt, thật gương mẫu. Thu hẹp lại diện kê khai tài sản để tạo điều kiện cho kiểm tra, giám sát bản kê khai đó có đầy đủ, trung thực không. Tôi nghĩ, việc kê khai nên tập trung vào những vị cán bộ, công chức là lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và đặc biệt là những vị trí có quyền sinh, quyền sát - ví như ban phát bổng lộc, xin cho cơ chế, chính sách.

Báo cáo của Chính phủ đã nêu, một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm dễ dẫn đến tham nhũng như ngân hàng, hải quan, thuế, đất đai, cấp phép tài nguyên khoáng sản, dự án... Người làm ở những vị trí đó phải kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Dư luận cho rằng, với gần 1 triệu người kê khai tài sản như hiện nay còn rất hình thức, rất khó phát hiện vi phạm.

Để kiểm soát được tài sản và thu nhập của những người có điều kiện tham nhũng, theo ông cần có biện pháp gì?

Hiện nay, chúng ta cũng chưa bắt buộc kê khai tài sản của con cái, người thân của đối tượng phải kê khai tài sản. Đây chính là một lỗ hổng lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Quốc hội Lê Như Tiến 

Với những kẽ hở hiện nay, người ta có thể cho tặng nhau cả căn hộ, biệt thự, xe hơi, thậm chí là những chuyến đi nước ngoài. Đấy là tham nhũng ngầm, rồi người được tặng bán nhà đó đi mua vàng, mua USD gửi ở ngân hàng nước ngoài, rất khó kiểm soát. Cho nên, giải pháp gì cũng phải hướng đến sự minh bạch. 

Ví dụ quy định kê khai tài sản, cần nghiên cứu để công khai tại nơi cư trú, tại cơ quan đơn vị để mọi người dân được biết, để giám sát. Tài sản có được bằng lao động, thu nhập, từ  những nguồn hợp pháp thì sao cán bộ, lãnh đạo không dám công khai. Nhưng quan trọng hơn, phải kiểm soát được thu nhập. Nếu kiểm soát được thu nhập của cán bộ, công chức và mọi người dân, mọi thanh toán đều qua ngân hàng, không dùng tiền mặt nữa, sẽ chặn được nạn phong bì lót tay.

Phong bì tuy là tham nhũng vặt nhưng cũng rất nhức nhối. Đồng thời, phải quy định với một nguồn tiền lớn, hay bất động sản chuyển dịch qua tay cán bộ, lãnh đạo họ buộc phải kê khai, nộp thuế, phải thanh toán qua ngân hàng. Thậm chí những phát sinh thu nhập, tài sản thì phải có giải trình rõ ràng.

Nếu người kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc, thu nhập đó thì người ta có quyền nghi ngờ đó là tài sản bất minh, do tiêu cực, tham nhũng mà có. Vì vậy, phải có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chặt chẽ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, ngân hàng, thuế phải có sự phối hợp chặt chẽ.

Phải kiểm soát tài sản mới thu hồi được ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Quốc hội Lê Như Tiến.

Chặn kẽ hở chuyển dịch tài sản

Ông nói rằng chúng ta còn để ngỏ kẽ hở rất lớn cho tham nhũng đó là chưa kiểm soát được sự dịch chuyển tài sản. Khi vụ việc bị phát hiện thì khối tài sản lớn của nhà nước đã bị tẩu tán hết, ông nghĩ sao về điều này?

Hành vi tham nhũng bao giờ cũng gắn liền với sự dịch chuyển tài sản trái pháp luật. Ban đầu họ lấy tài sản của nhà nước, của người khác làm của mình, sau đó họ tẩu tán, chia cho người thân, con cái đứng tên. Tài sản, thu nhập dịch chuyển không được kê khai, kiểm soát kịp thời chính là kẽ hở của tham nhũng. Tại Quốc hội, tôi cũng nhiều lần cảnh báo hiện tượng dịch chuyển tài sản ra nước ngoài, cho người thân, con cái của những người tham nhũng đứng tên.

Đó là lý do khi phát hiện tham nhũng thì tài sản đã được tẩu tán đi rất nhiều và tỷ lệ thu hồi không đáng kể. Hiện nay, chúng ta cũng chưa bắt buộc kê khai tài sản của con cái, người thân của đối tượng phải kê khai tài sản. Đây chính là một lỗ hổng lớn. Để ngăn chặn, xử lý được tình trạng dịch chuyển tài sản không hợp pháp từ bố, mẹ sang cho con cái, người thân, cần có cơ chế kiểm soát sự dịch chuyển đó càng sớm càng tốt.

Thực tế vừa qua, một số trường hợp dư luận có đề cập đến nguồn tiền hay tài sản lớn liên quan đến người có hành vi tham nhũng, nhưng hỏi đến đều là của con cái của họ đứng tên. Như vậy, cơ quan chức năng cần truy rõ về nguồn gốc tài sản nghi ngờ do tham nhũng mà có. Để xác minh điều đó cũng không khó, nhưng quan trọng là phải ngăn chặn từ gốc sự dịch chuyển, tẩu tán tài sản tham nhũng đó.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG