Gian nan thu hồi tài sản tham nhũng - Bài 2:

Tài sản công không phải niêu cơm Thạch Sanh

Cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Dương Chí Dũng, bị kết án tử hình và phải bồi hoàn hơn 100 tỷ đồng. Ảnh: BT.
Cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Dương Chí Dũng, bị kết án tử hình và phải bồi hoàn hơn 100 tỷ đồng. Ảnh: BT.
TP - “Tài sản công không phải niêu cơm Thạch Sanh. Cần xác định rõ trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ quản lý, phát triển tài sản công, từ đó sẽ hiểu vì sao công tác thu hồi tài sản đối với tội phạm tham nhũng lại khó như vậy”, một thẩm phán TAND thành phố Hà Nội nói.

Cần sửa Luật Thi hành án

Theo vị thẩm phán, việc một số vụ án gần đây liên quan tội phạm tham nhũng tuyên các bị cáo phải bồi hoàn hàng trăm tỷ đồng chỉ là một mắt xích quá nhỏ trong nội dung liên quan tài sản công. “Nếu muốn nói đến công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, cần xem xét đến cả hệ thống quản lý tài sản công cũng như trách nhiệm của các đơn vị này trong việc điều phối, sử dụng tài sản theo thẩm quyền. Có một tư duy nguy hiểm là, tài sản công được ví như “của công”, họ dễ dàng xâm phạm và không cần biết đến hậu quả. Khi xảy ra vụ việc, tất cả đều quay sang một hướng, đó là đổ lỗi cho nhau”, vị thẩm phán nói.

Trao đổi xung quanh câu chuyện thi hành án, luật sư Nguyễn Đức Toàn (Cty luật Vimax Asia, Hà Nội) nói: “Chúng ta cần tính đến chuyện sửa luật. Nếu các điều khoản trong Luật Thi hành án dân sự cho rằng, phía được thi hành án phải có đơn gửi cơ quan có thẩm quyền, từ đó, họ mới có căn cứ để thi hành án, nhưng khi họ nhất định không làm đơn, các nhà làm luật cần tính đến việc sửa văn bản này”. Theo luật sư Toàn, nhiều doanh nghiệp đang được giao quản lý tài sản công, là tài sản nhà nước, do đó cần làm rõ trách nhiệm của họ trong công tác quản lý, không thể tạo ra sự tùy tiện, vô trách nhiệm đối với khối tài sản công.

Quá khó để thu hồi tài sản người “đang chết”

Tháng 7/2014 ngoài bản án tử hình về tội tham nhũng, Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) và đồng phạm bị tuyên liên đới bồi thường hơn 366 tỷ đồng thiệt hại, liên quan những sai phạm ở Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Bản án đã có hiệu lực pháp luật, song dư luận đặt vấn đề thi hành án có khả thi? Luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói: “Về câu chuyện bồi thường dân sự trong vụ án, bị cáo bị tuyên phải bồi hoàn hơn 100 tỷ đồng, với quan điểm cá nhân, tôi thấy đây là số tiền quá lớn, quá khó để được đảm bảo thi hành án”.

Thực tế vụ án cho thấy, những bị cáo liên quan đã bị kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, giá trị những tài sản này rất nhỏ so với số tiền hơn 100 tỷ đồng mà bị cáo phải nộp. Trong khi đó, bị cáo nhận mức án tử hình. “Khi bản án có hiệu lực, quá khó để lấy được tiền của một người biết rõ là họ sẽ chết, đang chết. Và như vậy, một bản án tử hình gần như đồng nghĩa với việc bị án sẽ không thi hành án về phần dân sự”, luật sư Đăng nhận định.

Xem xét trách nhiệm nguyên đơn dân sự

Luật sư Vi Văn A (Văn phòng luật sư số 7, Hà Nội) cho rằng việc yêu cầu bồi hoàn hàng trăm tỷ đồng rất có nguy cơ đi vào ngõ cụt. Với các loại án kinh tế thuần túy, khi áp dụng chế tài, các cơ quan chức năng sẽ chú ý đánh thật mạnh vào tài chính, về vấn đề bồi thường, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, không phải án kinh tế nào cũng vậy. Với những vụ đại án tham nhũng như vụ Dương Chí Dũng, mức độ gây thiệt hại quá lớn, quá nghiêm trọng, các cơ quan tố tụng sẽ không nghĩ nhiều đến câu chuyện tài chính, và một bản án tử hình được xem là phù hợp.

“Khi bản án có hiệu lực, quá khó để lấy được tiền của một người biết rõ là họ sẽ chết, đang chết. Và như vậy, một bản án tử hình gần như đồng nghĩa với việc bị án sẽ không thi hành án về phần dân sự”.

Luật sư Hà Đăng 

Luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói: “Mọi người hay nghĩ nhiều đến việc tuyên một bản án có tính khả thi hoặc không, chứ thực ra tôi cho rằng, đó chỉ là “lời nói sau cùng”. Bởi lẽ, chúng ta cần quay lại bản chất của câu chuyện, vì sao có bản án đó, vì sao các quan tham có thể tham nhũng được số tài sản lớn đó. Trả lời được câu hỏi này, mới có thể xử lý tận gốc câu chuyện về tài sản ở các vụ án tham nhũng”.

Theo luật sư Nga, nếu ở các cơ quan nhà nước, các cơ quan công quyền, hoặc có thẩm quyền trong việc sử dụng tài sản công có cơ chế quản lý tốt, chặt chẽ, sẽ rất khó có điều kiện để tham nhũng. Cần thay đổi tư duy tài sản công là “miếng bánh”, hay “nồi cơm Thạch Sanh” của không ít những nhà quản lý, với tâm lý kiểu “cha chung không ai khóc”, hoặc “của chùa, của công”.

Quay lại chuyện các nguyên đơn dân sự trong nhiều vụ án tham nhũng từ chối thi hành án, luật sư Nga cho rằng, nếu bản án đó có đủ căn cứ, cần xem xét trách nhiệm của những đơn vị này, thậm chí hoàn toàn có thể khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, hoặc “Cố ý làm trái”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.