Phải khẩn trương tu bổ cầu Long Biên

Cầu Long Biên tương lai là điểm du lịch hấp dẫn. Anh: Hồng Vĩnh
Cầu Long Biên tương lai là điểm du lịch hấp dẫn. Anh: Hồng Vĩnh
TP - GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia và nhiều chuyên gia cho rằng, công việc trước mắt là phải sớm tu bổ, giảm tải chức năng giao thông cho cầu Long Biên...

Theo ông Lưu Trần Tiêu, chưa thể làm ngay bảo tàng tại cầu Long Biên như một số người đề xuất mà phải làm theo lộ trình, như giảm dần chức năng giao thông của cầu có thể chỉ cho xe đạp và người đi bộ qua đây. Tàu hỏa trước mắt khi chưa có cầu mới thì vẫn phải đi qua, nhưng sau này chấm dứt hẳn.

Ông Tiêu nói rằng, một số nước đã xây bảo tàng ngay trên cầu, nhưng tại Việt Nam, vấn đề này cần phải có thời gian, cần xem xét thêm. Nói lấy di sản để nuôi di sản là câu chuyện lâu dài và phải nhìn ở nhiều khía cạnh, trước mắt, Nhà nước cần phải đầu tư để tu bổ cầu.

Đầu tiên, cần phải gia cố, bảo đảm độ vững chắc cho cầu về kỹ thuật, tôn tạo cầu về thẩm mỹ theo nguyên trạng. Theo ông Tiêu, Sở VH-TT&DL Hà Nội đang làm hồ sơ trình đề nghị xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Việc hoàn tất xếp hạng di tích cũng tạo thêm điều kiện để bảo tồn cầu tốt hơn.

Thành điểm du lịch hấp dẫn

Theo ý tưởng về việc khôi phục cầu Long Biên được hãng Atelier Villes et Paysages (Pháp) nghiên cứu, tập đoàn Eiffage đã giao cho Atelier Villes et Paysages thực hiện một nghiên cứu đô thị về những thách thức và tiềm năng xung quanh việc cải tổ toàn bộ công trình (xây dựng cạn và cầu) trên tổng chiều dài gần 3km. 

Theo Atelier Villes et Paysages, nghiên cứu này minh họa xác đáng cho việc cải tạo cầu sẽ tái sinh mạnh mẽ không gian cảnh quan cầu và cải thiện tính năng sử dụng các không gian liên quan. Nghiên cứu này được dựa trên hai giai đoạn can thiệp. Về ngắn hạn, bảo tồn với nhu cầu sử dụng như hiện tại (xe lửa, xe hai bánh và người đi bộ). Về trung hạn, quy hoạch di chuyển tuyến đường sắt qua một cây cầu mới về phía Bắc. 

Atelier Villes et Paysages cho rằng, cầu Long Biên là một công trình của quá khứ và tương lai, nên ngay từ đầu, cây cầu này đã không phải là công trình được đóng khung cố định trong điều kiện lý tưởng và ổn định. Công trình đường sắt ban đầu đã được mở rộng trên cả hai bên để dành cho người đi bộ và người đi xe đạp. Sự đổi mới có thể tiếp tục chứng minh khả năng đáp ứng của cây cầu với các nhu cầu đô thị hóa mà nó phục vụ.

Đề án nghiên cứu đề xuất quy hoạch “Khu phòng triển lãm trong các vòm cầu phía Nam” và xây dựng hệ thống cửa hàng bán đồ thủ công, quán cà phê, nhà hàng cùng các khoảng hiên được bố trí cảnh quan. Ngoài ra, quy hoạch “Khu phòng triển lãm trong các vòm cầu phía Bắc” và xây dựng hệ thống cửa hàng nhỏ tiếp nối chợ Đồng Xuân. 

Xây dựng các đoạn dốc lên cầu bằng thép để nối cây cầu với khu “công viên nông nghiệp” và khu cấu trúc những nhịp cầu nguyên thuỷ, gần lối tàu bè qua lại trên sông. Tiếp đến là quy hoạch tuyến đường đi dạo ở “Vườn treo” trên cầu cạn. Thiết kế hệ thống giao thông công cộng nhẹ thay thế tàu hỏa chạy trên cầu...

Nhóm nghiên cứu khẳng định, quá trình cải tạo cây cầu bắt đầu bằng việc quy hoạch lại hai bên bờ sông, tạo điều kiện thu hút nhiều du khách.

MỚI - NÓNG