Bảo vệ cầu Long Biên là trách nhiệm với tương lai

Bảo vệ cầu Long Biên là trách nhiệm với tương lai
TP - Cầu Long Biên là tác phẩm kiến trúc cầu bằng thép độc đáo do Kỹ sư Gustave Eiffel tác giả của Tháp Eiffel-Paris nổi tiếng thế giới thiết kế. Cây cầu được xây dựng từ năm từ 1889 đến 1902, nối hai bờ sông Hồng với khu phố cổ Hà Nội. Cầu có hình dáng một con rồng đang uốn lượn dài tới 1.681m với 19 nhịp dầm thép.

Có thể nói, cho đến thời điểm này, chưa có một cây cầu nào ở Việt Nam có lịch sử và vẻ đẹp độc đáo như cầu Long Biên. Với lịch sử văn hóa Hà Nội, cầu Long Biên là ký ức, là di sản văn hóa đặc biệt cần được ứng xử tôn trọng theo Luật Di sản (cho dù không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay cầu Long Biên vẫn chưa được xếp hạng di tích?). 

Dẫu cầu Long Biên giờ không còn đáp ứng được yêu cầu giao thông hiện đại nữa, nhưng không vì thế mà nó mất đi vị thế của một thiết chế văn hóa lịch sử, một di sản quý giá, điểm nhấn kiến trúc đặc biệt nối trung tâm TP với sông Hồng, cần được bảo vệ và bảo tồn trong sự phát triển. 

“Cầu có hình dáng một con rồng đang uốn lượn dài tới 1.681m với 19 nhịp dầm thép.

Có thể nói, cho đến thời điểm này, chưa có một cây cầu nào ở Việt Nam có lịch sử và vẻ đẹp độc đáo như cầu Long Biên. Với lịch sử văn hóa Hà Nội, cầu Long Biên là ký ức, là di sản văn hóa đặc biệt cần được ứng xử tôn trọng theo Luật Di sản”.

KTS Phạm Thanh Tùng

Cầu Long Biên gắn bó với lịch sử phát triển hào hùng của Thủ đô. Là nhân chứng của hai cuộc chiến tranh. Trong kháng chiến chống Mỹ, cầu đã bị đánh phá nhiều lần, đặc biệt là 4 trận ném bom có tính hủy diệt vào năm 1972. Nhưng với sự hy sinh bảo vệ quyết liệt của quân và dân Thủ đô, cây cầu vẫn kiên cường đứng vững soi bóng xuống sông Hồng, cho dù nhiều nhịp cầu, trụ cầu bị bom Mỹ phá hỏng.

Giữ gìn và bảo vệ các di sản như cầu Long Biên là trách nhiệm của ngày hôm nay đối với các thế hệ mai sau. Trong nền kinh tế thị trường, không thể vì lợi ích kinh tế, mà cho phép đánh đổi nhiều thứ, kể cả di sản văn hóa của dân tộc. Đã đến lúc chính quyền Hà Nội phải thể hiện rõ thái độ trách nhiệm đối với cầu Long Biên.

Không khó để tìm ra các giải pháp xây dựng cầu mới để không làm tổn hại đến di sản văn hóa lịch sử cầu Long Biên, mà vẫn đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa giao thông trong sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước nếu lãnh đạo Bộ GTVT và TP Hà Nội thật sự hiểu và biết trân trọng giá trị của cầu Long Biên, một di sản văn hóa lịch sử của Thủ đô và của cả nước.

Theo Chánh Văn phòng Hội KTS VN
MỚI - NÓNG