Phải dự phòng phương án xấu nhất

Phải dự phòng phương án xấu nhất
TP- "Phải dự phòng ở phương án xấu nhất, tập trung tinh thần cao nhất để hạn chế thiệt hại!”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB T.Ư về cơn bão số 10 chiều 16/11.
Phải dự phòng phương án xấu nhất ảnh 1

Bão số 9 năm 2006 đổ bộ vào Nam Bộ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cơn bão này cấp không cao, nhưng đi nhanh, nguy hiểm, thậm chí rất nguy hiểm. Theo Phó Thủ tướng, vừa rồi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, mới mưa thôi mà đã làm chết tới 89 người và mất tích 5 người.

Trong khi cơn bão này ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ, là khu vực có địa hình đồng bằng; người dân ít kinh nhiệm chống bão, nhà tạm bợ nhiều... vì thế, nếu kết hợp cả mưa, lụt lớn nữa thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng và của cải. Chúng ta cần chống bão với tinh thần là đề phòng chuyện xấu nhất có thể xảy ra.

Phải dự phòng phương án xấu nhất ảnh 2

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB T.Ư ngày 16/11

Theo báo cáo của đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 3 giờ chiều qua (16/11) có 2.361 tàu với 17.476 lao động đang làm việc tại khu vực từ quần đảo Trường Sa xuống phía Nam.

Ngoài ra từ TPHCM đến Cà Mau có tới 15 cửa sông lớn, dân sống rất đông ở hai bên cửa sông. Hơn nữa, ở các tỉnh Nam Bộ có hàng vạn chiếc tàu, ghe, xuồng...với nhiều loại khác nhau đi trên các sông, rạch; vì thế, các địa phương cần kiểm soát sát sao, thông báo cho họ lên bờ.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Các phương án phải hoàn tất trước 18 giờ ngày 17/1, nhất là các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau, Kiên Giang phải khẩn trương hơn. Kiên quyết kêu gọi tàu, thuyền thoát khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn an toàn, người phải lên bờ”.

Đối với khu vực trên bờ, Bộ trưởng cũng cảnh báo: Cùng với mưa, gió bão, cần phải đề phòng các cơn lốc xoáy cục bộ có thể gây thiệt hại rất lớn. Phải sẵn sàng chằng néo nhà cửa, kho tàng; bảo vệ đê điều, hồ, đập, kênh mương. Đồng thời, thông báo với bà con hạn chế đi lại, có biện pháp phòng vệ.

Những nơi xung yếu phải sơ tán vào nơi kiên cố do địa phương bố trí. Chú ý, khi sơ tán dân ở vùng ven biển, ven sông, cù lao... vùng có khả năng mưa lớn có thể gây sạt lở cần phải lên phương án cụ thể.

Các địa phương cũng phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bà con. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố hạn chế hội họp, tập trung vào các công tác về phòng chống, lũ bão. Ngày 18/11, các tỉnh ảnh hưởng bão phải cho các cháu nghỉ học.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Đối với khu vực miền Đông Nam Bộ, hồ Dầu Tiếng đang trong tình trạng đầy, chúng tôi đang cấm xả. Do ảnh hưởng của bão có thể gây mưa lớn, vì sự an toàn của hồ là trên hết, nên trong ngày 17/11 sẽ phải xả nước trong hồ. Nếu để sự cố xảy ra với hồ Dầu Tiếng thì các tỉnh miền Đông sẽ rất nguy hại”.

Về lực lượng, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư đã chia làm 4 đoàn công tác đi địa bàn theo sự phân công của Ban, gồm các bộ:  NN&PTNT, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Xây dựng.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng nhắc nhở, chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là đài, báo T.Ư phải tăng cường thời lượng thông tin, cập nhật thường xuyên về tình hình cơn bão để người dân nắm rõ.

MỚI - NÓNG