Phải có thị trường tự do đúng nghĩa

TP - Đây là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế, lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp về giải pháp cho tăng trưởng kinh tế năm 2015.

Phải có thị trường tự do đúng nghĩa ảnh 1 Nợ công, nợ xấu đang là điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam
Gánh nặng nợ công, nợ xấu


Tại Hội thảo Kinh tế thế giới và Việt Nam: Thực trạng 2014 và triển vọng 2015, do Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Cty Chứng khoán VPBank (VPBS) tổ chức, sáng 4/11; báo cáo của VPBS cho thấy: Với các tín hiệu tích cực của nền kinh tế, tăng trưởng GDP năm 2014 của cả nước sẽ vào khoảng 5,97% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra 5,8%); lạm phát cả năm nay chỉ ở mức 4,2%.

Ông Nguyễn Đức Vinh, TGĐ VPBank cho rằng, nợ xấu đang là từ “rất mốt” hiện nay. Tuy nhiên, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, ngân hàng là một trong những tổ chức góp phần tạo nên do yếu kém trong quản lý. “Nếu nghĩ nợ xấu là tới ngân hàng sẽ không bao giờ giải quyết được, bản thân hoạt động ngân hàng phải có nợ xấu. Một nền kinh tế 6 năm liên tục khủng hoảng thì việc không có nợ xấu mới lạ”, ông Vinh nói. Theo ông Vinh, phải thúc đẩy được tiêu dùng mới giải quyết được nợ xấu.

Năm 2015, ông Vinh hy vọng niềm tin của người dân sẽ trở lại, dù cải cách kinh tế chậm, nợ xấu… Tuy vậy, ông Vinh lo ngại những cuộc xung đột trên thế giới, bất ổn xã hội sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

Ông Sanjay Kaira, đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, nợ công, tăng trưởng thấp đang thành vấn đề lớn của Việt Nam. Với tiềm năng của mình, chuyên gia IMF cho rằng, mức tăng trưởng GDP 5 - 5,5%/năm với Việt Nam là thấp. Do đó, Chính phủ phải đẩy nhanh cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, giảm nợ công.

Phải có thị trường đúng nghĩa

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dù tăng trưởng công nghiệp tốt, xuất khẩu tăng, nhưng chủ yếu dựa vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, sức khỏe DN Việt vẫn rất yếu, thậm chí số DN đóng cửa năm 2014 tiếp tục tăng.
Theo ông Thiên, nếu cục máu đông nợ xấu chưa giải tỏa được, để tăng trưởng còn nhiều việc phải làm. Ngoài ra, lãi suất huy động giảm, nhưng lãi cho vay cao và chưa giảm tương ứng. “Lãi suất cho vay hiện vẫn 11-12%/năm khiến DN không dám vay, vì chẳng biết làm gì để có lợi nhuận ở mức đó trả lãi ngân hàng. Phải chăng khối lượng nợ xấu để tồn đọng quá lâu, giải quyết chưa hiệu quả khiến quá trình giảm lãi suất cho vay kéo dài thêm”, ông Thiên nói. 

Ông Thiên đề nghị chuyển mô hình tăng trưởng sang hiện đại hóa cao hơn, không thể tiếp tục như 30 năm đổi mới vừa qua, khi đẳng cấp công nghiệp Việt Nam vẫn thuộc thấp nhất thế giới (chủ yếu gia công, khai thác tài nguyên). Để làm được điều này, ông Thiên cho rằng, chúng ta phải tôn trọng quy luật thị trường đúng nghĩa, từ đó phân phối tốt hơn nguồn lực đất nước, không để kinh tế tư nhân bị phân biệt đối xử.

GS Nguyễn Mại (nguyên Thứ trưởng KH&ĐT) cho biết, cần xem xét lại toàn bộ các dự án đầu tư công, ngăn chặn tình trạng lãng phí, đội vốn. Ông Mại dẫn chứng dự án đầu tư xây dựng nhà máy bột giấy 3.000 tỷ đồng rồi bán thanh lý; dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vốn đầu tư ban đầu 22.400 tỷ đồng, giờ đã đội lên 45.200 tỷ đồng. “Không thể để bộ máy công hiện nay thực hiện rà soát đầu tư công vì không hiệu quả. Thay vào đó, Chính phủ có thể thuê một tổ chức xã hội rà soát, thống kê những dự án sai phạm để xử lý. Nếu làm được điều đó có thể nâng cao hiệu quả đầu tư công từ 10-15%, góp cho tăng trưởng GDP 1-2%”, ông Mại nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế- TS Lê Xuân Nghĩa, nhất định phải giải quyết được nợ xấu, nếu không sẽ không thể phục hồi tăng trưởng. “Phải có tăng trưởng mới có tiền trả nợ công, nếu không nợ công sẽ thành vấn đề lớn của Việt Nam trong tương lai”, ông Nghĩa nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.