Công viên Tuổi trẻ:

Phá dỡ các công trình sai phạm trước ngày 15/11

Phá dỡ các công trình sai phạm trước ngày 15/11
TP- Hàng loạt công trình sai phạm, “băm nát” công viên Tuổi trẻ được chỉ ra cách đây hơn một năm, nhưng đến nay vẫn bình chân như vại. Sau nhiều lần việc tháo dỡ các công trình sai phạm bị trì hoãn, ngày 5/11 Hà Nội đã ra “tối hậu thư”.

Cùng ngày, UBND quận Hai Bà Trưng cũng ra quyết định cưỡng chế 5 công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng.

Phá dỡ các công trình sai phạm trước ngày 15/11 ảnh 1
Nhà hàng Tuổi trẻ - công trình vi phạm đã bị ra quyết định cưỡng chế

Mua trên 6,4 tỷ đồng bán chỉ...  2,4 tỷ đồng

Ngày 5/11, tại Thông báo số 107, về kết luận cuộc họp của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nêu rõ: Giao Cty Du lịch Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng, Cty đầu tư và dịch vụ (ĐT&DV) Tuổi trẻ tập trung tháo dỡ các công trình sai phạm giai đoạn I xong trước ngày 15/11.

Theo đề xuất trước đó của Cty ĐT&DV Tuổi trẻ thì có 17 công trình sai phạm thuộc diện phải tháo dỡ giai đoạn I, trong đó có 10 công trình thuộc lĩnh vực vui chơi và 5 công trình thuộc diện kinh doanh nhà hàng và giải trí.

Trao đổi với PV ngày 11/11, ông Nguyễn Hoài Văn, GĐ Cty ĐT&DV Tuổi trẻ cho biết, đối với 10 hạng mục vui chơi đến nay đã có một số công trình được tháo dỡ. Một số chuẩn bị tháo dỡ, dự kiến việc tháo dỡ hoàn thành vào ngày 15/11.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, hạng mục xe đạp trên không đã được tháo dỡ xong. Công trình đu quay cũng đang được tháo từng mảng thiết bị. Gần đó, chiếc đu gió cũng đang được tháo rời từng bộ phận. Những công trình trò chơi đồ sộ đang được hạ xuống và đưa lên xe tải chở đi. Tuy nhiên, các hạng mục thuyền lắc và đua vũ trụ vẫn còn nguyên trạng.

Ông Văn cho biết, trước đó Cty đứng ra tổ chức đấu thầu các hạng mục trò chơi này. Ban đầu cũng có một số đơn vị ngấp nghé xin thầu vì giá sắt thép cao. Tuy nhiên, sau đó giá sắt thép xuống và các ứng cử viên đều bỏ, cuộc đấu giá vì thế không thành.

Hết thảy các hạng mục công trình này đều do liên danh giữa Cty và đối tác bên ngoài làm chủ đầu tư và xây dựng không phép. Cuối cùng, Cty chọn giải pháp để các đối tác giải quyết. May mắn là số hạng mục này đã bán được với giá 2,4 tỷ đồng cho một doanh nghiệp ngoại tỉnh.

Trong khi đó, vào thời điểm đầu tư, chúng được mua với giá trên 6,4 tỷ đồng(?). Vụ mua bán lại một lần nữa làm cho bạn đọc liên tưởng đến hàng loạt các phi vụ mua bán xe máy theo kiểu “mua đắt, bán rẻ” của nguyên Giám đốc Đinh Văn Khoan trước đó (Tiền phong đã có bài điều tra).  Không biết những thiệt hại này cuối cùng ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Không tự tháo dỡ sẽ cưỡng chế

Bên cạnh 10 hạng mục vui chơi, trong danh sách tháo dỡ đợt I còn có 5 hạng mục thuộc lĩnh vực nhà hàng, giải trí... Cụ thể, nhà hàng đa năng do Cty ĐT&DV Tuổi trẻ đang cho đối tác thuê làm sàn nhảy; nhà kho cũng đang cho thuê; nhà 7 gian; nhà dịch vụ tennis..., đặc biệt là nhà hàng Tuổi trẻ diện tích trên 270 m2 (2 tầng) được đầu tư năm 2001 với số tiền 780 triệu đồng. Hai hạng mục khác là đường đua thể thức một và khu tập Golf đã được tháo dỡ xong.

Xin tự tháo dỡ 5 công trình khác

Cty ĐT&DV Tuổi trẻ cũng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin được tự tháo dỡ 5 công trình sau khi dự án Công viên Tuổi trẻ hoàn thành, nhà văn phòng của Cty được xây dựng xong, và một số hạng mục dự án được triển khai. Cụ thể: sân tennis ngoài trời; nhà bảo vệ đường Võ Thị Sáu; cổng Võ Thị Sáu; văn phòng trung tâm xuất khẩu lao động; nhà văn phòng Cty.

Trao đổi với Tiền phong, ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng  cho biết, ngày 5/11 Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành 5 quyết định cưỡng chế với 5 hạng mục công trình vi phạm là: nhà hàng Tuổi trẻ, nhà hàng đa năng, nhà bảy gian, nhà dịch vụ tennis, nhà kho.

Theo các quyết định này, phía Cty ĐT&DV Tuổi trẻ phải tự tháo dỡ các công trình sai phạm trong vòng 10 ngày. Quá thời hạn trên nếu Cty không thực hiện sẽ bị cưỡng chế. “Chúng tôi đã lên kế hoạch cưỡng chế. Việc cưỡng chế dự kiến sẽ tiến hành vào đầu tuần tới” - Ông Tuấn cho biết.

MỚI - NÓNG