Phá 'bê tông' Singapore

Phá 'bê tông' Singapore
Ai cũng biết, 90 phút với Philippines là 90 phút hệ thống tấn công của ĐT Việt Nam đã phải đối diện với cả một “khối bê-tông trắng”. Và 90 phút quyết tử với Singapore ngày hôm nay nhiều khả năng cũng sẽ là 90 phút chúng ta phải đối diện với một khối bê tông như vậy.

> Việt Nam - Singapore: Nợ và duyên

Phá 'bê tông' Singapore ảnh 1

Sự khác biệt có chăng chỉ nằm ở chỗ: Cái màu trắng bê-tông của 90 phút trước sẽ đổi sang màu đỏ hoặc màu xanh (tùy theo màu áo Singapore sẽ mặc) mà thôi. Tại sao lại quả quyết “chắc như đinh đóng cột” thế nhỉ?

Tại vì, phòng ngự lâu nay vốn là bản ngã bóng đá của người Singapore. Một tờ báo Singapore từng thống kê rằng, cứ khi nào ĐT Sing phải chơi tấn công, và cho dù là tấn công rất hay thì khi ấy, họ cũng gặp rất nhiều phần thua thiệt (điển hình nhất chính là trận bán kết lượt về tại đất Sing giữa Singapore - Việt Nam ở AFF Suzuki Cup 2008 - trận đấu mà Singapore trong thế chủ nhà đã ồ ạt công phá Việt Nam, nhưng sau đó lại khóc hận với một pha phản đòn của đội khách).

Tại vì, trận đấu tối nay, Singapore chỉ cần 1 điểm là đi tiếp. Và cũng tại vì, Singapore chắc chắn đã nghiên cứu rất kỹ cái cách mà Philippines sử dụng để vô hiệu hóa hàng công của ĐT Việt Nam. Thế nên càng có nhiều lý do để tin rằng Singapore sẽ phòng ngự, thậm chí là… “phòng ngự bê-tông”.

2. Ở đời, muốn phá bê-tông, người ta thường dùng hai phương án. Phương án 1: Dùng những quả búa tạ cứ thế nện vào bê-tông. Phương án 2: Dùng những mũi khoan điện, bất thình lình “xoáy” vào bê-tông một “xoáy”.

Phá 'bê tông' Singapore ảnh 2

Cách thứ nhất xem ra có vẻ “hoành tráng” hơn. Nhưng muốn dùng cách ấy, người cầm búa tạ phải có một nguồn năng lượng ghê gớm lắm. Bởi nếu không có một nguồn năng lượng như vậy thì không thể sử dụng búa một cách vững vàng. Mà đã không sử dụng được vững vàng, thì đừng nói là “phá bê-tông”, mà búa sẽ rơi xuống, hoặc sẽ văng lại, làm dập tay khổ chủ cũng chưa biết chừng. Ở trận đấu trước với Philippines, ĐT Việt Nam đã lao vào bê-tông để rồi phải trả giá đúng bằng phương cách này.

Vậy thì xem ra, cách thứ hai - cái cách dùng “khoan điện” có vẻ phù hợp với chúng ta hơn. Nhưng để dùng cách này thì mũi khoan phải sắc và người cầm khoan phải tỉnh. Mà nói về chuyện “mũi khoan” cũng như “người cầm khoan” thì NHM Việt Nam bây giờ cũng có lý do để mà ái ngại. Bởi trong khi những “mũi khoan” như Anh Đức, Quang Hải hay Sỹ Mạnh đều chưa thể hiện được “năng lực khoan” của mình ở trận gặp Philippines thì cũng ở trận đấu ấy, và cả sau trận đấu ấy, “người cầm khoan” H.Calisto lại có nhiều biểu hiện nóng nảy tới mức… say đòn.

3. Khoảng cách từ lần “đánh phá bê-tông Philippines” tới lần “đánh phá bê-tông Singapore” chưa đầy 72 giờ nghỉ. Với 72 giờ ấy, đã có những thay đổi tích cực được thể hiện, chẳng hạn như việc ngoài những “mũi khoan” đã có, không loại trừ khả năng cái “mũi khoan” Việt Thắng cũng sẽ bất thình lình được tung ra.

Và với 72 giờ nghỉ ngơi quan trọng ấy, “người cầm khoan” H.Calisto cũng đã cho thấy những biểu hiện của sự hạ nhiệt. Bằng chứng là nếu ngay sau lần “khoan phá Philippines” bất thành, ông thầy cứ một mực cho rằng, hàng phòng ngự Việt Nam không mắc lỗi, thì sau đó, ông đã thẳng thắn thừa nhận là đã có những cái lỗi nhất định cần phải rút kinh nghiệm.

Mong là với việc chủ động “chọn mũi khoan” thay vì “chọn búa tạ”, và với việc cả “mũi khoan” lẫn “người cầm khoan” đều có những biểu hiện tích cực hơn, chúng ta rồi sẽ khoan thủng “bê-tông Singapore”, dù ai cũng biết, đấy là một khối bê-tông khá rắn!

Theo Báo Bóng đá

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG