Đó là một trong số rất nhiều chia sẻ của những người học trò đăng tải trên FB khi nghe tin PGS –TS Toán học, Nhà giáo Nhân dân Phan Đức Chính đã qua đời lúc 01h ngày 26/08, hưởng thọ 82 tuổi, tại TP Hồ Chí Minh.
PGS,TS Toán học, Nhà giáo Nhân dân Phan Đức Chính được biết đến là một người có rất nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Nhà giáo Phan Đức Chính tốt nghiệp đại học năm 1956, khi vừa tròn 20 tuổi, thuộc thế hệ các nhà khoa học được đào tạo ngay sau ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954), cùng khóa với các nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Đàm Trung Đồn, Vũ Thanh Khiết, các nhà sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, các nhà toán học Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Thừa Hợp, Nguyễn Bác Văn...
Xuất thân từ một gia đình có công nuôi giấu cán bộ ngay trong lòng Hà Nội bị địch tạm chiếm, năm 1961, thầy Phan Đức Chính được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp danh tiếng. Mấy năm ở Matxcơva, thầy Phan Đức Chính vừa viết luận án tiến sĩ, vừa cùng thầy là Giáo sư G. E. Shylov biên soạn cuốn sách chuyên khảo "Độ đo, tích phân, đạo hàm trong không gian tuyến tính".
Thầy là người đầu tiên nghiên cứu độ đo, phiếm hàm tuyến tính và toán tử tuyến tính đo được trong không gian tuyến tính vô số chiều. Các kết quả chính của thầy đã được đưa vào sách chuyên khảo: G. E. Shylov, Phan Duc Chinh. Measure, Integral, Derivative in Linear Spaces Nauka, 1967 (tiếng Nga). Đó là cuốn sách toán đầu tiên mà người Việt Nam là một đồng tác giả được xuất bản tại Liên Xô, đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Tiệp và được nhiều nhà toán học trích dẫn.
Năm 1965, thầy Phan Đức Chính trở lại Việt Nam, tiếp tục giảng dạy tại khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội (trưởng khoa là thầy Hoàng Tuỵ). Thời kỳ này là giai đoạn vô cùng khó khăn của đất nước trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phải đi sơ tán tại Đại Từ (Bắc Thái). Tất cả các lớp học lúc đó đều ở sát núi Tam Đảo, rất đơn sơ và tạm bợ, thiếu thốn tất cả mọi phương tiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thày Chính được phân về tổ Giải tích (tổ trưởng là thày Hoàng Hữu Đuờng (1936 - 1987), giảng dạy giải tích cho sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai, là một trong các thầy đầu tiên dạy đại số cho lớp Chuyên toán đầu tiên của Việt Nam. Trong nhiều năm sau đó, thầy vẫn tiếp tục các công việc này một cách say sưa và đạt được nhiều kết quả rực rỡ. Ngoài ra, thầy còn giảng dạy giải tích hàm và nhiều chuyên đề khác như : Lý thuyết nhóm, Hàm suy rộng, Độ đo và tích phân.
Ngoài việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, thầy Chính còn có thêm nhiệm vụ dạy các em học sinh cấp III chuyên Toán. Trong nhiều năm dạy khối Phổ Thông Chuyên Toán, Ông đã đào tạo được nhiều học sinh xuất sắc, đạt được các giải cao trong các kỳ thi Toán Quốc tế.
Điển hình như mùa hè năm 1974, khi đất nước còn chưa thống nhất, ngành giáo dục nước ta "mạo hiểm" cử một đội tuyển gồm 5 học sinh đi dự Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 tổ chức tại Berlin (CHDC Đức), do thầy Lê Hải Châu và TS. Phan Đức Chính lãnh đạo. Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế, với niềm hy vọng mong manh giành 1 huy chương đồng. Thế nhưng, kết quả thật quá bất ngờ! 5 học sinh dự thi thì 4 đoạt huy chương cao nhất.
Biết bao thế hệ sinh viên, học sinh được thầy đào tạo, nhiều người đảm trách vị trí quan trọng, trở thành những nhà khoa học giỏi, những nhà quản lý tốt, trong số đó có các anh chị Trần Văn Nhung, Đào Trọng Thi, Hoàng Lê Minh, Nguyễn Đông Anh, Hoàng Ngọc Hà, Phan Vũ Diễm Hằng, Nguyễn Thị Thiều Hoa, Lê Hồng Vân..
Có thể nói, thầy Phan Đức Chính là một trong những thầy có nhiều công sức nhất làm cho khối Phổ Thông Chuyên Toán (ĐHQGHN) nổi tiếng khắp nơi và trở thành đơn vị Anh Hùng (thời kỳ đổi mới). Đặc biệt, thầy Chính đã truyền lại cho thế hệ sau nhiều kinh nghiệm qúy báu để luỵện thi và dẫn dắt đội tuyển học sinh Toán Việt Nam ra nước ngoài tham gia các kỳ Olympic thế giới.
PGS,TS, Nhà giáo Nhân dân Phan Đức Chính còn nổi tiếng với nhiều cuốn sách gối đầu giường của các nhà giáo và những học sinh, sinh viên yêu toán như Bất đẳng thức, (NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1973) và Thầy còn là dịch giả của rất nhiều cuốn sách giải tích như: Natanson, Lý thuyết Hàm số biến số thực, 1962; Dieudonné J., Cơ sở Giải tích Toán học, Tập I . V; Robertson., Robertson., Không gian vectơ tôpô; Kurosh, Đại số cao cấp. 5. She-Tzen Hu, Cơ sở Giải tích toán học…
Sự ra đi đột ngột của thầy Phan Đức Chính đã để lại những tiếc nuối và đau xót cho bao nhiêu thế hệ học trò, người trong giáo giới và những người luôn nể trọng tấm lòng, nhân cách cao quý của Thầy.
GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, nguyên học sinh chuyên Toán Ao khóa 1, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, đã xúc động kể lại những kỷ niệm về người thầy của mình, nhà toán học “vô hạn chiều” Phan Đức Chính.
“Tôi dùng cụm từ "vô hạn chiều" ở đây theo cả hai nghĩa. Nghĩa hẹp ở chỗ thầy Chính nghiên cứu toán học, làm luận án tiến sĩ chủ yếu trên các không gian vô hạn chiều. Và theo nghĩa rộng vì sau đó, thầy dành nhiều thời gian giảng dạy, bồi dưỡng toán học sơ cấp, trong các không gian với số chiều từ 1, 2, 3, ..., n, ... đến vô cùng, cho các học sinh giỏi toán thi quốc gia, quốc tế, và thầy say mê cả âm nhạc, thơ ca...
Thầy Phan Đức Chính được đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, học trò trong và ngoài giới toán học, trong và ngoài nước khâm phục và yêu quý. Bởi vì thầy là một nhà toán học tài ba, một nhà sư phạm mẫu mực và một người gốc Hà Thành theo nghĩa văn hoá rộng của từ này.
… Đã 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm sâu sắc về tâm huyết và tài năng sư phạm của các thầy giáo của mình. Mặc dù rất hiếm khi, nhưng lớp Ao chúng tôi ngày ấy cũng đã được đón GS. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, GS. Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum và GS. Phó Hiệu trưởng Lê Văn Thiêm đến thăm, nói chuyện hoặc giảng bài.
Các bài giảng đầu tiên của PGS. TS. Phan Đức Chính về hàm số sơ cấp và đồ thị của nó, về giới hạn của các dãy số vô hạn... trong Đại số lớp 9 và lớp 10 đã dạy chúng tôi làm quen với những khái niệm, tư duy mới khi chuyển từ toán học rời rạc sang toán học liên tục.
Các bài toán và các câu hỏi trong mỗi một bài tập mà thầy Phan Đức Chính ra cho học trò khi làm bài kiểm tra thường được xếp theo thứ tự khó dần, gợi mở dần và ít khi “đánh đố”, nhưng cũng không dễ gì làm được trọn vẹn...
Thầy Chính từng làm phó Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học (IMO) trong các năm 1974-1976 (trưởng Đoàn là nhà giáo Lê Hải Châu) và là Trưởng Đoàn các năm 1994, 1996 và 1997. Cho đến nay, đã có 3 bài toán khó và hay do Việt Nam đề nghị được chọn làm một trong các bài toán thi IMO, ở các năm 1977 (bài của PGS. TS. Phan Đức Chính), năm 1982 (của PGS. TS. Văn Như Cương) và năm 1987 (của TS. Nguyễn Minh Đức).
Đến nay, mặc dù những kiến thức cụ thể thu được từ bài giảng của các thầy có thể đã bị quên khá nhiều, nhưng ấn tượng, ký ức về trình độ, tài năng, tâm huyết và lòng yêu nghề của các bậc thầy vẫn còn đọng lại mãi trong suốt cuộc đời chúng tôi như một chất men say. Đúng như William A. Ward đã nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh hoạ, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.
NGND. PGS. TS. Phan Đức Chính trút hơi thở cuối cùng lúc 1 giờ ngày 26/8/2017 (tức ngày 5 tháng 7 năm Đinh Dậu), hưởng thọ 82 tuổi. Là người Hà Nội nhưng thầy được sinh ra tại Sài Gòn và cũng mất tại Sài Gòn.
Lễ viếng PGS.TS, NGND Phan Đức Chính bắt đầu từ 9-12h ngày 29/8/2017 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, 5 Phạm Ngũ Lão, Phường 3, Q. Gò Vấp, TP. HCM.
Lễ Hỏa táng tại Phúc An Viên, Quận 9, TP.HCM lúc 14h cùng ngày.
Các GS. TSKH. Nguyễn Duy Tiến, nhà báo Hàm Châu, GS. TSKH. Đặng Hùng Thắng, GS. TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng đã có những bài viết tưởng nhớ người thầy lớn của mình...