PGS Văn Như Cương lên tiếng về tuyển sinh vào lớp 6

Phó Giáo sư Văn Như Cương.
Phó Giáo sư Văn Như Cương.
Theo PGS Văn Như Cương: Nếu bắt các trường Tư thục tuyển sinh theo tuyến thì chắc chắn là không ai dám mở trường Tư thục.

Sau khi UBND TP Hà Nội và Sở GD-ĐT thành phố có văn bản “hỏa tốc” về việc tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016, những trường THCS có số lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh đã tỏ ra lo lắng, lúng túng không biết phương án tuyển sinh năm nay sẽ như thế nào khi mà mùa tuyển sinh đang đến gần.

Trên trang Facebook của mình, Phó Giáo sư (PGS) Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh đã có những chia sẻ về vấn đề tuyển sinh vào lớp 6.

1. Chúng ta đang phổ cập giáo dục bậc THCS. Điều đó có nghĩa là mọi học sinh sau khi học xong bậc Tiểu học đều có quyền và có nghĩa vụ học tiếp cho hết bậc THCS. Nhà nước bảo đảm để mọi trẻ em đều được học ở trường công lập nếu họ muốn. Học sinh nào trong độ tuổi đi học mà không đăng kí học thì bị phạt hành chính.

2. Nhà nước khuyến khích các tư nhân và các tổ chức mở các trường Tư thục, nhiệm vụ của các trường này không phải là để góp phần vào việc “phổ cập giáo dục” mà là để xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo trong giáo dục. Nhà nước không ép buộc bất kì ai phải học trường Tư thục. Nếu họ không muốn học ở các trường Tư thục thì nhà nước phải có chỗ cho họ học ở trường công lập.

3. Các trường Tư thục được phép tuyển sinh trên địa bàn rộng rãi không hạn chế, trong lúc các trường công lập tuyển sinh theo tuyến (phường, quận, huyện…). Điều đó là đúng đắn, vì nếu bắt các trường Tư thục tuyển sinh theo tuyến thì chắc chắn là không ai dám mở trường Tư thục (do không có học sinh, vì rất ít học sinh muốn học trường tư thục.)

4. Thực tế cho thấy, hầu như các trường tư thục đều không tuyển đủ học sinh, chỉ có một số ít trường, do nhiều nguyên nhân, có số đăng kí vào học lớn hơn số được tuyển rất nhiều lần.

5. Theo phàm lệ, đối với bài toán “muốn chọn ra một số người có đủ tiêu chí nào đó trong một số đông người hơn” thì người ta giải như thế nào? Rất đơn giản nếu anh là người có lương tri bình thường thì anh phải tạo ra một cái “sàng” để sàng lọc…Tùy trường hợp cụ thể cái sàng đó có thể là: Thi tuyển, khảo sát, kiểm tra, phỏng vấn, bốc thăm, xếp hàng, số đo các vòng, chiều cao ….

6. Trong bài toán “tuyển vào lớp 6”, các Chỉ thị của Bộ GD-ĐT, của UBND TP Hà Nội đã bắt các trường sử dụng chỉ một cái “sàng” duy nhất là “xét tuyển”. Cái “sàng” đó quả thật không thể gọi là một “sàng khôn” được, nó là một cái “sàng” rất dở và rất vô dụng….

PGS Văn Như Cương

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG