PGS Bùi Hiền nêu lí do 'công bố' bản chuẩn cải tiến chữ quốc ngữ

PGS Bùi Hiền nêu lí do 'công bố' bản chuẩn cải tiến chữ quốc ngữ
TPO - “Tôi phải gấp rút làm việc này. Tôi dự định tháng 3 công bố trong giới khoa học phần 2 nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ nhưng bây giờ thì làn sóng xô đẩy tôi, bắt buộc tôi phải xong sớm. Để kết thúc nó phải tăng tốc độ lên”- PGS Bùi Hiền nói về việc công bố bản hoàn chỉnh về nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ gồm cả phần phụ âm và nguyên âm.

Đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông đã tạo nên những phản ứng trong dư luận thời gian qua. Mới đây, PGS.TS Bùi Hiền vừa công bố bản hoàn chỉnh về nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ gồm cả phần phụ âm và nguyên âm. Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS Bùi Hiền nói quyết định công bố phần 2 nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ  thay vì vào tháng 3/2018 như dự định.

Cải tiến tiếng Việt: Tôi không bao giờ làm cái chuyện tầm bậy ấy

PV: Xin ông cho biết vì sao ông công bố phần nghiên cứu đề xuất chữ quốc ngữ sớm hơn so với dự kiến trước đó là tháng 3/2018?

Công trình của tôi nghiên cứu về cải tiến chữ quốc ngữ chứ không phải cải tiến tiếng Việt. Nhiều người đến giờ vẫn nói tôi cải tiến tiếng Việt. Tiếng Việt là chữ của toàn dân. Còn chữ từ trước đến nay người ta vẫn đổi, vẫn sửa. Tiếng thì không ai sửa được. Tôi không bao giờ làm cái chuyện tầm bậy ấy.

Ở phần trước chỉ là phần nghiên cứu về phụ âm mà tiếng thì gồm có cả phụ âm và nguyên âm thì mới thành tiếng. Nguyên âm thì lúc đó tôi chưa nghiên cứu xong, như vậy công trình mới xong một nữa. Nói cách khác anh đưa ra anh què mới có một chân thôi mà thế là người ta không hiểu anh què này có sống được không.

Nhân việc nghiên cứu của tôi đã “tung ra” như thế đòi hỏi tôi làm gấp việc hoàn chỉnh nếu không thì người ta cứ mãi nghĩ đó là anh què, mà để mãi nó què có khi thành anh cụt. Vì thế, tôi phải gấp rút làm. Tôi dự định tháng 3 công bố trong giới khoa học nhưng bây giờ thì làn sóng xô đẩy tôi bắt buộc tôi phải xong sớm. Để kết thúc nó phải tăng tốc độ lên. Trong những tháng ngày sóng gió như thế, tôi để ngoài tai tất cả để tôi làm.

PV: Vậy ông có thể chia sẻ về phần hai của đề xuất của mình và khi nào ông sẽ đưa công trình khoa học của mình ra ở một hội thảo khoa học?

Tôi đã làm xong phần nguyên âm rồi tức là nửa thứ hai của công trình. Khi tôi ghép phần nguyên âm và phụ âm lại thì có những chỗ vênh. Hai cái ghép lại không phải lúc nào cũng hợp nhau. Khi thấy vênh nhau thì lại phải sửa lại kể cả phần phụ âm nữa đã nghiên cứu xong rồi. Đây là công trình xong với tôi thôi, chứ đưa ra công luận giới khoa học đưa ra ý kiến nếu thấy hợp lý thì phải sửa.

Đấy, khoa học là phải thế chứ tôi không công bố và càng không có nghĩa là nhà nước công bố công trình này. Trước ở phần 1 được đưa ra, người ta chửi, “ném đá” vì cứ như nhà nước công bố như thay đổi chữ quốc ngữ đến nơi rồi.

PGS Bùi Hiền nêu lí do 'công bố' bản chuẩn cải tiến chữ quốc ngữ ảnh 1 Toàn bảng chữ cái (âm vị) tiếng Việt (Thủ đô Hà Nội) gồm 33 đơn vị :

Tôi nghĩ chắc chắn vẫn sẽ bị “ném đá”

PV: Ông nói tác phẩm ông đã được 'công bố' hoàn chỉnh. Vậy theo ông, liệu lần này công trình của ông có bị “ném đá”?

Tôi chắc chắn vẫn nghĩ sẽ bị như lần trước thôi vì nếu những người “chống” không phải vì động cơ khoa học thì có thêm phần này nữa thì vẫn sẽ “chống”. Cái này chắc chắn. Những nhà khoa học trước kia khi phần 1 được đưa ra chưa nói gì cả thì bây giờ họ sẽ lên tiếng. Sự lên tiếng của các nhà khoa học sẽ nghiêm chỉnh. Họ sẽ góp ý chỗ nào đúng, chỗ nào sai, tán thành hay không tán thành thì đương nhiên tôi phải lắng nghe. Còn nếu cố tính “ném đá” thì tôi không nghe, tôi kệ thôi.

Việc tôi đưa ra lần này tôi đã có dự kiến cả chứ không phải là tôi không biết gì cả.

PV: Khi phần 1 của công trình nghiên cứu của ông đưa ra, Bộ GD&ĐT đều trân trọng công sức nghiên cứu của ông nhưng chưa có ý định thay đổi? Ông có ý kiến thế nào về điều này?

Tôi có trình Bộ GD&ĐT về nghiên cứu của tôi đâu. Bộ GD&ĐT có biết gì đâu. Bộ có cho tiền cho tôi làm đâu. Nhà nước cũng có đặt hàng cho tôi đâu...

Vì thế, cái này không liên quan đến Nhà nước hay Bộ GD&ĐT. Đây là công trình của tôi, tôi dưa ra có tính chất cá nhân, do nhu cầu của bản thân. Tôi làm xong để trình bày ở giới khoa học để giới này có ý kiến. Nhưng người ta chưa có ý kiến đã bị tung lên mạng.

PV: Vậy đề xuất của ông muốn thay đổi chữ quốc ngữ khó thay đổi ở thời điểm này. Vậy theo ông có tiếc vì đã nghiên cứu công trình này?

Nếu tôi không muốn thì tôi đã không làm. Mục đích của tôi là cải tiến chữ quốc ngữ để cho con trẻ dễ nhớ, dễ học, không bao giờ bị mắc lỗi nữa. Bạn học thuộc cái bảng chữ đó thì cả đời bạn viết sẽ không bị mắc lỗi chứ bây giờ bạn mắc lỗi nhiều.

Vì thế, mục đích khi làm, theo tôi, tôi đã đạt được về mặt khoa học. Còn việc công trình này có chấp nhận hay không lại là chuyện khác.

PV: Cá nhân ông bao giờ sẽ trình ra hội đồng khoa học “tác phẩm” của mình?

Tôi là nhà khoa học nên tôi cứ viết. Còn việc công bố thì tôi không làm việc đó. Tôi sẽ công bố trên diễn đàn, tạp chí khoa học thôi. Cơ quan chức năng sẽ đọc các nghiên cứu công bố của các nhà khoa học nếu thấy ứng dụng được cái nào thì sẽ đưa vào chương trình của mình còn không được thì tác phẩm vẫn để trong ngăn kéo thôi.

PV: Vậy ở phần này, ông có sợ có một cuộc “ném đá” dữ dội như lần trước không?

Vấn đề tranh luận khoa học thì tôi quan tâm. Chỉ có thái độ nghiêm túc thì tôi nghe, nếu thóa mạ thì tôi không nghe.

Cá nhân tôi thấy yên tâm vì làm xong một công trình. Công trình mình làm xong cần có ý kiến. Nếu ủng hộ thì tốt, vì đó là mục đích của mình.

Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ GD&ĐT, ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ Quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ học. Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

 GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học cho rằng, ý kiến của PGS. Bùi Hiền nêu ra chỉ là một quan điểm cá nhân để giới khoa học xem xét và tôi tin rằng phần đông các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà quản lý giáo dục sẽ không đồng tình và chắc chắn nó sẽ không đi đến đâu cả. Tôi thực sự cảm thấy bất bình về những ý kiến miệt thị, xúc phạm, công kích công trình khoa học cũng như cá nhân PGS. Bùi Hiền. 

 PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, chữ quốc ngữ đang đồng hành cùng tiếng Việt và chắc chắn không ai có thể thay đổi được.

MỚI - NÓNG