Pfizer, BioNTech bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 ở phụ nữ mang thai

Vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer và BioNTech sẽ được thử nghiệm cho phụ nữ mang thai.
Vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer và BioNTech sẽ được thử nghiệm cho phụ nữ mang thai.
TPO - Ngày 18/2, Pfizer và BioNTech đã bắt đầu một nghiên cứu quốc tế với 4.000 tình nguyện viên để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc xin COVID-19 của họ đối với phụ nữ mang thai khỏe mạnh.

 Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn, và nhiều quan chức y tế công cộng đã khuyến cáo một số phụ nữ trong các ngành nghề có nguy cơ cao nên tiêm vắc xin COVID-19 ngay cả khi không có bằng chứng là chúng an toàn cho họ.

Tuần trước, Viện Y tế Quốc gia của Mỹ đã kêu gọi đưa phụ nữ mang thai và cho con bú vào nghiên cứu vắc xin COVID-19 nhiều hơn.

Các nhà đạo đức sinh học, các chuyên gia về vắc-xin và sức khỏe bà mẹ đã lập luận trong nhiều năm rằng, phụ nữ mang thai nên sớm được đưa vào thử nghiệm vắc-xin COVID-19.

 Tuy nhiên, phụ nữ mang thai đã bị loại khỏi các thử nghiệm lớn của Mỹ, những thử nghiệm vắc xin COVID-19 được sử dụng để xin phép sử dụng khẩn cấp.

Các nhà sản xuất dược phẩm cho biết, trước tiên họ cần đảm bảo rằng vắc-xin nói chung là an toàn và hiệu quả hơn.  Tại Mỹ, các cơ quan quản lý yêu cầu các nhà sản xuất thuốc phải tiến hành các nghiên cứu an toàn trên động vật mang thai trước khi vắc-xin được thử nghiệm trên phụ nữ mang thai để đảm bảo chúng không gây hại cho thai nhi hoặc dẫn đến sẩy thai.  Các công ty cho biết, những nghiên cứu đó không cho thấy rủi ro mới.

Các công ty cho biết phụ nữ mang thai ở Mỹ đã được tiêm liều đầu tiên.

 Nghiên cứu mới sẽ kiểm tra phụ nữ mang thai từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ, Canada, Argentina, Brazil, Chile, Mozambique, Nam Phi, Anh và Tây Ban Nha.

Phụ nữ sẽ được tiêm chủng  trong tuần 24-34 của thai kỳ, tiêm hai mũi cách nhau 21 ngày, cùng một phác đồ được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng lớn hơn.

 Các công ty dược phẩm này cho biết, ngay sau khi sinh con, những người tham gia được dùng giả dược trong cuộc thử nghiệm sẽ có cơ hội nhận được vắc xin thực sự, một phần của nghiên cứu.

Theo CNA
MỚI - NÓNG