Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp trực tuyến với 63 tỉnh thành sáng 19/2
“Bộ Y tế hết sức khẩn trương đàm phán để có vắc-xin cho dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành sáng 19/2.
Bộ trưởng cho biết: “Việt Nam phải cần 150 triệu liều mới đủ tiêm cho người dân. Với vắc-xin Covax chúng ta sẽ có khoảng 30 triệu liều, tiêm trong 6 tháng cuối năm. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với nhiều công ty khác để đảm bảo vắc-xin cho người dân”.
Tư lệnh ngành y tế thông tin, vắc-xin sẽ được tiêm ưu tiên cho khu vực có dịch và có nguy cơ cao để hiệu quả trong chống dịch.
Trong vòng 5 ngày Bộ Y tế sẽ chuẩn bị để cấp phép cho vắc-xin nhập khẩu. Khuyến khích các đơn vị phối hợp với Bộ Y tế trong việc cung ứng vắc-xin. Trong năm 2021 Ngành Y tế cố gắng để người dân tiếp cận vắc-xin đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội.
Ông Long cho biết thêm: “Biến thể virus lần này lây lan nhanh, phải chặn chứ không phải đuổi theo dịch. Càng đuổi sẽ càng đuối”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các ổ dịch tại Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Riêng tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp.
Từ ca bệnh đầu tiên vào ngày 25/1 cho đến nay, tại Hải Dương đã có 575 trường hợp mắc tại tất cả các huyên, TP trên địa bàn tỉnh. Mỗi ngày, tại đây ghi nhận trung bình 24 ca bệnh. Ngày nhiều nhất ghi nhận 45 ca bệnh.
So với ổ dịch tại Hải Dương và Đà Nẵng, theo ông Đặng Quang Tấn, số ca mắc tại Hải Dương là 575 ca đã vượt xa số mắc tại Đà Nẵng (389 ca). Riêng số mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên của Hải Dương (20 ca/ngày) cao hơn so với Đà Nẵng (15 ca/ngày).
Trong 2 tuần đầu tiên, số ca mắc tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm trong khi tại Hải Dương vẫn chưa rõ xu hướng. Ngoài ra, tại Hải Dương đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Số lượng còn lại phải cách ly tập trung rất lớn. Đặc biệt, biến chủng virus tại Hải Dương (biến thể tại Anh B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh hơn virus gây dịch tại Đà Nẵng (biến thể châu Âu D614G).
“Hiện đã ghi nhận các trường hợp dương tính chưa rõ nguồn lây. Thời gian sau kỳ nghỉ Tết, người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc, nguy cơ phát hiện các trường hợp bệnh mới trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, đặc biệt là tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM. Thậm chí, nguy cơ dịch có thể xuất hiện ở bất cứ địa phương nào hiện đang không có dịch. Do đó, các địa phương cần chủ động lên các phương án đối phó khi dịch xuất hiện và lây lan. Thậm chí, ngay tại các cơ quan, xí nghiệm cũng cần rà soát công tác bảo đảm an toàn phòng dịch…”, ông Đặng Quang Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Thời gian qua, chúng ta đã có tết an lành với người dân cả nước. Tuy nhiên, có một số địa phương phải căng mình đối phó dịch bệnh trong đợt dịch thứ 3 lần này.
Qua thực tế vừa qua, Bộ trưởng Long nhấn mạnh, dịch có thể xảy ra bất cứ nơi nào, địa điểm nào. Đơn cử Gia Lai, tưởng chừng không có nguy cơ nhưng vẫn xuất hiện ca bệnh. Trong tư tưởng, kế hoạch, hành động phải luôn xác định dịch có thể xảy ra bất cứ khi nào có thế mới không luống cuống, mới hoàn toàn chủ động ứng phó dịch”.
Quan điểm của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 và Bộ Y tế ngay từ đầu là phải cách ly triệt để F1 có thế mới tách mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, có thế mới ngăn chặn được dịch, ngăn được lây nhiễm trong cộng đồng, bài học từ Đà Nẵng đã chứng minh quan điểm này.
Trong cách ly, phải phối hợp chặt chẽ với quân đội để hệ thống quân đội điều hành các cơ sở cách ly này. “Cách ly dân sự tốt nhưng có nơi chưa nghiêm nên có thể xảy ra lây nhiễm chéo”, Bộ trưởng Long nêu thực tế, và đây cũng là lý do Bộ Y tế đề nghị lực lượng quân đội vào điều hành toàn bộ hệ thống cách ly ở các cơ sở lớn ở Hải Dương.