Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là trong quý 1 phải coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách cũng như lâu dài. Coi công tác phòng chống dịch không thể kết thúc được trong 6 tháng đầu năm và ngay cả trong năm 2021. Vì thế, Bộ Chính trị yêu cầu tất cả các cấp uỷ tăng cường công tác phòng chống dịch”.
Sau 3 tuần chống dịch, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, tất cả các địa phương không được chủ quan, lơ là, không được nghĩ rằng dịch không xảy ra ở khu vực mình. Vừa qua cho thấy dịch có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, địa phương nào, như Gia Lai, tưởng như không có yếu tố nhưng đã ghi nhận đến 27 ca bệnh.
“Vì vậy trong tư tưởng, kế hoạch, hành động luôn phải xác định dịch có thể xảy ra bất cứ khi nào để không luống cuống, chủ động đối phó”, Bộ trưởng Long nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố cần chuẩn bị ngay 3 kịch bản:
Thứ nhất, các địa phương phải chuẩn bị kịch bản giãn cách, cách ly với F1 do không địa phương nào có sẵn cơ sở cách ly.
Quan điểm của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo là phải cách ly triệt để F1 để ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.
Phải tính tình huống dịch xảy ra trong khu công nghiệp, trường học, bệnh viện… kịch bản giãn cách ra sao, không thể lấy một trường học làm nơi cách ly nhưng không có sẵn bộ máy, phải lấy nơi khác về.
Trong cách ly phải phối hợp chặt chẽ với quân đội do dân sự quản chưa nghiêm, còn hiện tượng lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Như Hải Dương, lực lượng quân đội đang điều hành toàn bộ hệ thống cách ly.
“Các tỉnh luôn phải chuẩn bị tinh thần nếu không cách ly được lượng lớn F1 phải đưa sang ngay các khu vực lân cận. Chúng ta phải có tất cả kịch bản mới tạm y tâm vì rất khó thực hiện trong thời gian ngắn”, Bộ trưởng Long lưu ý.
Thứ hai, các địa phương cần quản lý đến từng người dân để khi xảy ra ổ dịch trên địa bàn, chính quyền nắm được người từ nơi khác đến, người đang phải cách ly, khi giãn cách tránh tình trạng gia đình này giao lưu gia đình khác và tránh lây nhiễm trong khu phong toả.
Thứ ba, đề nghị các địa phương chuẩn bị ngay các phương án xét nghiệm và kịch bản xét nghiệm số lượng lớn và phải nâng công suất xét nghiệm trong thời gian rất ngắn.
Vừa qua, Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng xét nghiệm đến các địa phương nhưng nếu nhiều tỉnh cùng bùng phát, không thể hỗ trợ được. Do đó, các tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến công suất xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả cán bộ y tế đều phải được tập huấn về lấy mẫu.
“Chủ trương của chúng ta là khoanh vùng rộng, lấy mẫu diện rộng, xét nghiệm nhanh, phong toả diện hẹp để tác động ít nhất đến người dân nên xét nghiệm nhiều khi được xem là mấu chốt kiểm soát dịch để ngay lập tức chặn được tất cả nguồn lây. Nếu xét nghiệm chậm là đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch. Biến thể lần này lây rất nhanh, phải chặn, không đuổi theo được, càng đuổi sẽ càng đuối”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Thứ tư, chuẩn bị phương án điều trị trường hợp có nhiều bệnh nhân. Khoa Truyền nhiễm tại các bệnh viện chỉ có đủ khả năng thu dung điều trị 10-20 bệnh nhân, vượt quá sẽ quá tải. Vì vậy, Hải Dương đã phải lập tới 3 bệnh viện dã chiến để chuyên thu nhận các bệnh nhân COVID-19.
Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế là phải kiên quyết cách ly triệt để , an toàn F1 để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
“Vì thế, đề nghị các địa phương kiểm tra toàn tỉnh những cơ sở nào có thể sử dụng để cách ly, kịch bản cách ly ở khu vực đó về giám sát, điều hành, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe...
Đặc biệt, trong cách ly làm sao phối hợp chặt chẽ với bên quân đội, để lực lượng quân đội điều hành toàn bộ cơ sở cách ly. Trên thực tế tại các khu cách ly dân sự vẫn xảy ra việc thực hiện chưa nghiêm nên việc lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong khu vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.