Đó là vườn Kiều của ông Bá Khoát ở KP.4, phường Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Nuôi heo và mê… Truyện Kiều
Ông Khoát sinh năm 1933 tại thôn Vạn Lê, Ninh Văn, Ninh Bình. Năm 1941, cả gia đình ông di cư vào Nam, định cư tại phường Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Mảnh đất rộng trên 4.000m2 mà gia đình ông Khoát sở hữu là có được sau bao năm cày cuốc để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Ông từng là người chăn nuôi có tiếng ở xứ Đồng Nai. Từng được coi là “vua nuôi heo” với tay nghề chăn nuôi giỏi.
Năm 1992, ông Khoát được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam tặng danh hiệu “Người nuôi lợn giỏi" cấp quốc gia. Năm 1993, Đài Truyền hình Đồng Nai thực hiện bộ phim tài liệu “Vua nuôi heo”, nói về hoạt động thành công trong nghề nuôi heo của gia đình ông Khoát.
Cũng trong năm 1993, bộ phim “Vua nuôi heo” đoạt Huy chương Bạc thể loại phim tài liệu ở Liên hoan phim toàn quốc tổ chức tại Đà Lạt. Từ đó, gặp ông Khoát ở đâu, mọi người cũng gọi bằng cái tên “Vua heo”. Tự hào hơn khi con trai ông nối nghiệp thành công và hiện là Tổng Giám đốc một công ty chăn nuôi lớn ở Đồng Nai.
Điều đặc biệt, vườn Kiều của ông Khoát đã được UBND tỉnh trao giải Nhất cuộc thi “Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập”. Vườn Kiều này được khởi công xây dựng từ năm 1996 với diện tích 200m2.
Cụ Khoát giới thiệu ý nghĩa những bức phù điêu trong “vườn Kiều”.
Mê Truyện Kiều, ông còn mày mò tìm hiểu bất cứ thứ gì liên quan đến tác phẩm này. Ông kể: “Cái duyên đến với Truyện Kiều tình cờ mà như sắp đặt. Vốn không phải là dân tri thức hay giới nghiên cứu Truyện Kiều, ban đầu tôi chỉ đọc Truyện Kiều như để tiêu khiển giải sầu trong lúc dưỡng bệnh, lâu dần mê Truyện Kiều lúc nào không hay, từ đó mỗi nhân vật, mỗi cảnh, mỗi tình huống trong truyện luôn hiện hữu trước mặt”.
Sau khi mê mẩn những khúc Kiều của Nguyễn Du ông bắt đầu bỏ công nghiên cứu và học hỏi tất cả những thông tin, đàm đạo với bạn văn thơ tứ xứ về Kiều.
Ông Khoát cho biết, khu vườn này được bắt đầu xây dựng từ năm 1996 và hoàn thành vào năm 2007. Trong quá trình xây dựng khu vườn, ông cùng lên ý tưởng với những người bạn thân, những người cùng có một tình yêu với Truyện Kiều lớn lao như ông. Và để được như ngày hôm nay, ông Khoát đã không ngừng trùng tu, nâng cấp lại khu vườn yêu quý của mình.
Ngay trong khu vườn, ông Khoát cho xây dựng nhà tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du và để làm được việc này, ông đã phải cất công ra tận quê hương của Nguyễn Du lấy mẫu tượng về tạc lại làm tượng thờ.
Vườn Kiều giữa lòng thành phố
Bên trong khu vườn, ông Khoát đặt các bức tượng mô phỏng các nhân vật trong Truyện Kiều và gần 80 câu thơ, mỗi câu đều được minh họa bằng chính những cây cối hay bức tượng trong vườn. Bên cạnh bàn thờ đại thi hào Nguyễn Du là những bức tượng sinh động về các nhân vật như Kim Trọng cưỡi ngựa qua cầu, chị em Thúy Kiều e lệ dưới hoa… Ta có thể thấy đâu đó những bước chân của Kiều trong các công trình đặt trong vườn như núi giả sơn, Quan âm các, Lầu Ngưng Bích…
Trong đó, Lầu Ngưng Bích được xây dựng theo phong cách cổ nằm giữa hồ sen liễu rủ, là nơi ông đón tiếp, đàm đạo với bạn hữu về Truyện Kiều. Sau khi rời lầu Ngưng Bích, ông Khoát dẫn chúng tôi đi một vòng quanh vườn và giới thiệu các bức phù điêu miêu tả lại 20 câu Kiều đặc sắc nhất mà ông tóm gọn lại trong 20 chương Truyện Kiều. Họa tiết trên các bức tường do chính ông tự họa và theo ông, “mỗi bức là mỗi cảnh, mỗi bước thăng trầm”.
Tượng Thúy Kiều - Thúy Vân.
Nói về khu vườn đặc biệt này, ông Khoát tâm sự: “Tôi đã thấy người ta bày tỏ niềm yêu mến với Truyện Kiều bằng nhiều cách, Kiều đã có trong thơ, trên tranh, trong tiếng nhạc nhưng trong vườn thì chưa. Vì vậy vườn Kiều như là công trình để hậu thế nhớ về Kiều, hiểu và yêu Truyện Kiều hơn”.
Ông đã cho ra đời cuốn “Chú giải 104 điển tích Truyện Kiều bằng thơ”, các tập “Vịnh Kiều” lần lượt ra đời sau những cuộc vịnh thơ quy mô lớn thu hút những người yêu Truyện Kiều trên khắp cả nước tham gia. Hiện tại, ông đang ấp ủ dự định thành lập chi nhánh hội Kiều học tại Đồng Nai nhân ngày giỗ đại thi hào Nguyễn Du vào ngày 16/9 tới.
Theo Minh Châu