Tháng 10/2011, ông Truyền nghỉ hưu theo chế độ. Đầu năm 2014, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra T.Ư nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5/2014, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.
Chiều qua (21/11), phóng viên đã có mặt tại khu nhà công vụ Hoàng Cầu, số 61 Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội). Khu nhà công vụ có căn hộ 607, nơi ông Truyền từng ở. Bảo vệ tòa nhà cho biết, căn hộ 607 có diện tích 95m2 ở tầng 6 luôn đóng cửa im lìm.
Theo họ, căn hộ này đã đóng cửa khoảng 1 năm nay và hiện chưa được phân cho ai. Một bảo vệ cho biết từ cuối năm 2011, sau khi về hưu, một năm ông Truyền chỉ lui tới căn hộ này vài lần và không có con cháu nào của ông ở đây.
Vụ ông Truyền có lỗ hổng công tác cán bộ
“Chỉ lý giải được rằng ở đây có lỗi của cơ chế, công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm. Thực tế, Quốc hội (QH) cũng có trách nhiệm trong đó vì QH là đơn vị phê chuẩn ông Truyền là thành viên Chính phủ”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền trao đổi với báo chí, chiều 21/11.
Theo ông Quyền, với cơ chế cán bộ như hiện nay khi trình lên, đôi khi QH không đủ thông tin để xem xét một con người. Cho nên chúng ta phải xem xét toàn bộ những thiết chế về công tác cán bộ, nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ, để thấy được những lỗ hổng mà khắc phục.
“Muốn chống tham nhũng, phải thể hiện quyết tâm không chỉ bộ máy nhà nước mà phải cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, phải tuân thủ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chứ không nên vội vàng, tùy tiện”, ông Quyền nói.
Nguyễn Tuấn (ghi)