Quốc hội thảo luận trước chất vấn:

Đề nghị báo cáo tài sản ông Trần Văn Truyền

ĐB Lê Nam kiến nghị cần báo cáo công khai tài sản của ông Trần Văn Truyền.
ĐB Lê Nam kiến nghị cần báo cáo công khai tài sản của ông Trần Văn Truyền.
TP - Sáng 17/11, phát biểu thảo luận về báo cáo của Chính phủ trước phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị cần báo cáo lại vấn đề tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Các đại biểu Quốc hội (ĐB) đánh giá cao cách làm mới, Quốc hội dành một buổi để trao đổi lại báo cáo của Chính phủ trước phiên chất vấn, đặc biệt có thể hiến kế, đề xuất với Chính phủ.

Đề cập vấn đề tài sản ông Trần Văn Truyền, ĐB Lê Nam kiến nghị: Những thông tin liên quan đến cán bộ cao cấp cần phải kịp thời công khai cho nhân dân. Vấn đề tài sản của ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ), từng nêu tại kỳ họp trước, nhưng chưa thấy báo cáo với Quốc hội.  “Đối với cán bộ càng cao thì càng cần phải công khai minh bạch. Nếu chỉ làm từ vai trở xuống thì nhân dân không tin đâu” - ông Nam nói.

Có mặt tại buổi thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư. Tại kỳ họp 7, tôi đã báo cáo trước Quốc hội, vụ việc này Ban kiểm tra đã kiểm tra và báo cáo Ban Bí thư. “Đến nay chưa có kết luận để báo cáo Quốc hội. Sau này, nếu có kết luận và chỉ đạo của Ban Bí thư thì Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội” - ông Tranh cho hay.

Báo cáo về tình hình tham nhũng, Chính phủ cho biết, có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức và 40 người bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức cảnh cáo, khiển trách. Đã chuyển đổi vị trí công tác đối với trên 27 nghìn cán bộ, công chức, viên chức. Về kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2013 đạt 99,2%.

Tham mưu không thực tế

Góp ý báo cáo của Chính phủ, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết, những giải pháp Chính phủ làm còn thiếu đồng bộ và phối hợp. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, không phải chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hay trong vấn đề phát triển nông nghiệp cũng không chỉ tập trung vấn đề tín dụng. Tồn tại thứ hai, dường như công tác tham mưu Chính phủ nhiều vấn đề còn quan liêu, không thực tế. Điển hình là việc xử lý cai nghiện, chúng ta thấy tới khi Thủ tướng nghe tình hình, triệu tập cuộc họp, ngồi quyết định thì mới trình ra Quốc hội để xử lý vấn đề một cách rất bị động.

Theo ĐB Lịch, vì quan liêu, lâu nay sản xuất cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì thì chúng ta nói rất hay, việc đó dễ nói, nhưng sản xuất bằng cách nào với giá thành rẻ nhất có thể cạnh tranh được thì không giải được. Sản xuất ra bán ở đâu, cũng không giải được, thành ra chúng ta ca bài ca muôn thuở “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

“Để hỗ trợ ngư dân, tôi đề nghị xây dựng ngay một trung tâm hậu cần nghề cá. Chúng ta bảo không có tiền. Tôi đề nghị chúng ta có thể bán khách sạn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để làm trung tâm hậu cần nghề cá, đâu cần đi vay tiền. Chúng ta có nhận thức được vậy không, chúng ta phải làm bằng biện pháp cụ thể...” - ĐB Lịch đề xuất.

ĐBQH Lê Như Tiến: Hoan nghênh xây dựng làng thanh niên

Tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Đoàn về việc xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp ở các dân tộc miền núi. Hàng chục nghìn thanh niên chưa có việc làm có thể tình nguyện lên đây lập thành làng thanh niên, xây dựng cuộc sống mới, vừa trồng rừng vừa giữ đất, đây là một hướng tiếp cận tốt giữa trồng rừng với bảo vệ Tổ quốc cần được nhân rộng.

MỚI - NÓNG