Liên tục o ép
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam nước này.
Dù cho Nga kiên quyết và thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc và phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của siêu cường số 1 thế giới -Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.
Từ hồi cuối năm 2014, Mỹ đã phong tỏa tài sản của bất kỳ cá nhân và công ty nào liên quan tới Crưm. EU thì cấm doanh nghiệp của mình đầu tư vào kinh tế Crưm, mua bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ du lịch tại Crưm.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin ngày 31/3 cho biết, việc sáp nhập Crimea cùng với các chính sách hỗ trợ làm Nga tiêu tốn từ 6-7 tỷ USD mỗi năm. Toàn bộ thiệt hại gián tiếp và những thiệt hại khác như việc rút vốn ồ ạt (ra nước ngoài) tất nhiên sẽ lớn hơn rất nhiều. Tổng thiệt hại có thể ở mức từ 150-200 tỷ USD trong 3-4 năm tới.
Ngoài ra, còn có hạn chế về xuất khẩu hàng hóa và công nghệ cho giao thông vận tải, viễn thông và ngành năng lượng, bao gồm thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Crưm.
Tính ra, Mỹ và châu Âu đã đưa ra tổng cộng 5 đợt trừng phạt nhằm vào nước Nga từ nhẹ như cấm vận đi lại của một số quan chức trong chính quyền Moskva cho tới nặng như cấm các công ty dầu khí của Nga tiếp cận thị trường vốn phương Tây và các các biện pháp hạn chế kinh tế khác.
Kinh tế Nga đã thấm những đòn đánh kinh tế của phương Tây. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thông báo, ước tính Nga bị thiệt hại mỗi năm 40 tỉ USD do lệnh cấm vận phương Tây.
Cộng với việc giá dầu thế giới giảm khiến nguồn thu ngân sách của Nga, chủ yếu từ dầu mỏ và khí đốt, bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại 90-100 tỉ USD riêng trong 3 tháng cuối năm.Đồng rúp của Nga đã bị mất giá trên 80% và dự báo tăng trưởng GDP Nga là 0% năm 2015.
Cùng với “cuộc đấu” sứt đầu mẻ trán trên mặt trận kinh tế, Mỹ và phương Tây còn tìm cách bao vây, dồn ép và cô lập Nga trên mặt trận chính trị, ngoại giao và quân sự.
Ông Putin vẫn vững vàng
Dù nền kinh tế trì trệ do giá dầu giảm và lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhưng đa số người dân Nga vẫn ủng hộ Tổng thống Putin.
Người dân Nga xuống đường tuần hành ủng hộ Tổng thống Putin.
Thậm chí, một số người còn nhận định thật khó có thể tin rằng hàng loạt chính sách của ông Putin khiến nước Nga bị cộng đồng thế giới cô lập, có thể nhận được sự ủng hộ từ người dân nước nhà. Hôm 31/3, các nhà xã hội học, kinh tế học và khoa học chính trị hàng đầu nước Nga đã cùng nhóm họp tại Moscow để tìm ra câu trả lời lý giải cho hiện tượng ủng hộ ông Putin đầy kỳ lạ.
Kết quả cuối cùng thật viên mãn cho ông Putin khi họ nhận ra rằng, dù mức thu nhập của người dân Nga đã bị suy giảm nhưng người Nga vẫn tiếp tục ủng hộ nhà lãnh đạo của họ.
Lý do vô cùng đơn giản, họ cảm thấy ông Putin đang bảo vệ nước Nga khỏi những mối đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ Nga cũng như khiến họ cảm thấy tự hào về chính mình và quê hương.
Tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục đối với ông Putin còn xuất phát từ cuộc đối đầu căng thẳng của phương Tây với Moscow liên quan tới số phận tương lai của Ukraine.
Cuộc đối đầu này hoặc sẽ khiến Nga trở thành một nền kinh tế độc lập hoặc dẫn tới việc bình ổn mối quan hệ với các nước để quay về tập trung giải quyết những thách thức trong nước.
Theo giới chuyên gia, trong suốt 15 năm lãnh đạo nước Nga, ông Putin đã giải quyết hàng loạt vấn đề xã hội được đặt lên làm ưu tiên hàng đầu. Điển hình, trong những năm 2000, xã hội Nga đã tiến một bước dài về mức độ tiêu thụ hàng hóa, giúp nâng cao chất lượng người dân.