Trong báo cáo trước Quốc hội, ông Obama nêu ý kiến rằng, "chính phủ Cuba không cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế từ sáu tháng trước đó và đã đảm bảo rằng Havana sẽ không hỗ trợ các hoạt động khủng bố quốc tế trong tương lai".
Theo Reuters, Quốc hội Mỹ sẽ có 45 ngày để xem xét việc loại bỏ Cuba khỏi danh sách 'các quốc gia bảo trợ khủng bố' của ông Obama trước khi quyết định này chính thức có hiệu lực.
"Sau khi xem xét cẩn thận hồ sơ của Cuba, dựa trên thông tin của các hoạt động tình báo, cũng như tài liệu được cung cấp từ chính phủ Cuba, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết luận rằng, Cuba đã đủ các điều kiện để không có mặt trong danh sách các nước tài trợ cho khủng bố", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.
Quyết định được Tổng thống Barack Obama đưa ra không lâu sau cuộc gặp và cái bắt tay lịch sử với Chủ tịch Cuba Raul Castro bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) hồi cuối tuần trước.
Cuba đã bị Mỹ đưa vào danh sách các nước tài trợ cho khủng bố từ năm 1982, trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô Viết cũ. Vì vậy, động thái trên được xem là nỗ lực tiếp theo sau thỏa thuận chung ngày 17/12 nhằm tiến tới việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Trong cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ và Cuba kể từ năm 1956 vào hôm 11/4 vừa qua, cả hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận, đây là thời điểm thích hợp sau gần 60 năm để hai nước cùng bước vào lộ trình hướng tới tương lai.
Hai nước cũng đã hướng tới việc chính thức mở lại các đại sứ quán, nhưng vẫn chưa đi tới được thỏa thuận thời gian cụ thể.