Ông Mạc Kim Tôn trượt dốc như thế nào?

Ông Mạc Kim Tôn trượt dốc như thế nào?
Chiều 6/7, khi cơ quan điều tra triệu tập lên lấy lời khai, ông Mạc Kim Tôn đã rơi vào tình trạng suy sụp về sức khỏe. Ông nôn oẹ, chóng mặt, phải xin nằm một lúc để lấy lại sức.
Ông Mạc Kim Tôn trượt dốc như thế nào? ảnh 1
 Ông Mạc Kim Tôn

Theo ông Tôn trình bày, ông vốn bị bệnh tiểu đường và rối loạn tuần hoàn não, nay lại gặp cú "sốc" tinh thần này nên khó trụ nổi.

Tiếp cận với "lệnh bà"

Nhìn ông Tôn lúc này thật thảm hại. Điểm lại những năm tháng phấn đấu trên con đường sự nghiệp của ông Tôn, chúng tôi thấy tiếc.

Từ giáo viên dạy Toán giỏi của Trường cấp 3 Nguyễn Du, trở thành Ủy viên Thư ký của UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Bí thư Huyện ủy Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Rồi ông Tôn trở thành Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh ủy viên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Vậy mà, bất ngờ, khi theo dõi vụ việc Trần Thị Ánh, tức Hà (39 tuổi), ở số 10, tổ 15, phường Quang Trung, TP Thái Bình, chúng tôi được biết ông Tôn liên quan trực tiếp và có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Nguyên nhân của sự trượt dốc vì sao? Xin được bắt đầu từ mối quan hệ của ông Tôn với Trần Thị Ánh. Người phụ nữ này rất ma lanh và lọc lõi trong việc tạo dựng các mối quan hệ.

Từ giữa năm 2005, Ánh đã "tình cờ" gặp vợ ông Tôn trên đường phố và níu lại với giọng làm thân: "Cô có nhận ra em không? Ngày trước em là học sinh cũ của thầy ở trường cấp 3 huyện Kiến Xương. Em còn nhớ cô hay mặc chiếc áo màu hồng, đẹp ơi là đẹp!".

Là cán bộ về hưu, bà Tôn thấy thân thiện ngay với cô trò biết "tôn sư trọng đạo" ấy. Và liên tục cô học trò cũ ấy cứ "tình cờ" gặp và nói chuyện với bà Tôn ở ngoài đường, sau đó chị ta đến nhà lân la làm quen. Mục đích của Ánh là quan hệ với ông Tôn, đang là Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo.

“Đánh” trực diện vào "lệnh ông"

Ánh khoe với ông Tôn là cán bộ Văn phòng của UBND tỉnh Thái Bình, chuyên thực hiện các dự án ngoài ngân sách của tỉnh nhà và đã chạy dự án cho các trường học và một số đơn vị trong tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Tây, Hưng Yên… Để tạo lòng tin cho ông Tôn, Ánh thực hiện phương thức "thả con săn sắt, bắt con cá rô".

Cuối tháng 12/2005, Ánh đã tự bỏ tiền đi mua 10 máy tính, rồi trang bị cho một trường học của tỉnh Thái Bình nói là xin được nguồn tài trợ của một tổ chức phi chính phủ. Sau đó, Ánh mời ông Tôn đến chứng kiến và vỗ tay chúc mừng.

Cho tới đầu tháng 1/2006, Ánh lại tự đi mua 10 máy tính khác nói là hàng viện trợ để ông Tôn chuyển giao cho Trung tâm Tin học ngoại ngữ thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Bình.

Chỉ thế thôi mà khi Ánh đưa ra dự án vi tính hóa trường học, ông Tôn đã đồng ý và cùng Ánh triển khai ngay mà không kiểm tra xem có dự án không và từ nguồn nào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có lẽ ông Tôn cũng thừa biết là chưa hề có dự án này, vì tháng 3/2006, khi dự án vi tính hóa trường học đã được thị Ánh và ông Tôn triển khai (mua máy và lắp đặt) thì ông Tôn mới có công văn đề nghị UBND tỉnh xét duyệt cho Sở Giáo dục - Đào tạo đi xin kinh phí của tổ chức phi chính phủ cho dự án vi tính hóa trường học (tờ trình này đã được lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình ký duyệt, nhưng lại được chuyển cho thị Ánh và cơ quan Công an đã thu được từ nhà thị).

Như vậy, rõ ràng cả ông Tôn cũng đã làm liều "tiền trảm hậu tấu", làm trước, rồi mới xin sau. Quen ông Tôn mấy tháng mà thị Ánh lần lượt đưa đến nhà ông nhiều thứ đồ biếu như điện thoại di động Samsung D600, máy tính, máy lọc nước, máy hút ẩm, máy hút bụi, máy xay sinh tố, bếp từ, tủ 3 buồng, bộ chăn, ga, gối, đệm và một máy tính xách tay tổng trị giá 60,1 triệu đồng (ông Tôn chỉ khai đã nhận 5 thứ đồ). Sau đó là khoản tiền mà ông Tôn được Ánh hứa hẹn sẽ chi trả cho (đó là 20% trị giá số máy của các trường được lắp cho 2 người).

Hơn nữa, chúng tôi đang nghi ngờ ông Tôn và Ánh có mối quan hệ "mật thiết" hơn mức làm ăn bình thường. Ông Khúc Vị, nguyên Bí thư Huyện ủy Kiến Xương thời ông Tôn làm Phó Chủ tịch UBND huyện cũng nhận xét: "Ông Tôn là người có năng lực nhưng dư luận rất ì xèo về mối quan hệ của ông ấy với một nhân viên của Văn phòng UBND thời đó".

Trong mối quan hệ với Ánh, khi cơ quan Công an bắt và thu điện thoại di động của Ánh, đã phát hiện có một vài tin nhắn với nội dung rất "ướt át" của ông Tôn. Trong quá trình triển khai dự án, tại một số trường ở Quỳnh Phụ và Tiền Hải, đã được đón tiếp ông Giám đốc và cô cán bộ văn phòng UBND tỉnh đi xe ôtô riêng của ông Tôn vào buổi tối.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, một số cán bộ của Trường THPT Quỳnh Côi cho biết 2 lần ông Tôn và Ánh đến trường làm việc khi đã tắt ánh mặt trời. Còn tại một trường ở Tiền Hải, sau khi đến làm việc vào buổi tối, 2 người còn đánh xe xuống khu du lịch Đồng Châu ăn hải sản.

Có lẽ vì thân thiết đến mức ấy nên khi đang "triển khai dự án", một số người phát hiện sự dối trá của thị Ánh nhưng ông Tôn vẫn coi như "điếc". Một Phó Giám đốc của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thái Bình sau 5 phút tiếp xúc với thị Ánh đã ngán ngẩm nói rằng: "Cô này có vấn đề". Còn ông Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiên Cường sau khi tự đi điều tra và nói với ông Tôn rằng Ánh không phải là cán bộ Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, nhưng ông Tôn vẫn lấp liếm, khẳng định Ánh là cán bộ của Văn phòng UBND tỉnh. Vì thế, khi vụ việc vỡ lở, ông Tôn nói mình bị lừa thì chẳng còn ai tin ông nữa.

Theo Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG