“Giải tán” hội chống phá
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, đến tháng 12/2014 cả nước có hơn 52 nghìn hội (483 hội hoạt động trên phạm vi cả nước, hơn 52 nghìn hội hoạt ở địa phương), trong đó có hơn 8 nghìn hội có tính chất đặc thù. Đây là những biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội và vai trò làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bình, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng cũng như việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân vẫn còn chậm, phân tán, thiếu tính hệ thống và đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc tổ chức, hoạt động của các hội và công tác quản lý nhà nước về hội vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với xu thế dân chủ hóa đời sống xã hội và hội nhập quốc tế.
Đại diện ban thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, những nội dung quy định trong luật phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Khẳng định việc lập hội là quyền của công dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng tình với quy định, làm sao giảm dần bao cấp của nhà nước. Ông cũng cho rằng, không thể máy móc áp dụng quy định từ các nước phát triển, dân chủ nhưng phải có kỷ cương, hội phải tuân thủ pháp luật. Theo ông Ksor Phước, cùng với Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tới đây sẽ phải quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Qua đó, hội nào ra đời mà có các hoạt động chống phá thì bị “giải tán” và người đứng đầu hội đó thì phải bị bắt.
Phải có tiêu chí phân loại hội
Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề nghị, phải có tiêu chí cụ thể phân loại hội để đảm bảo minh bạch, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra. Đại biểu Quyền cũng cho rằng, vấn đề tài chính rất quan trọng, không phải hội nào thành lập cũng thừa nhận đặc thù để nhà nước cấp kinh phí. “Đặc thù cũng phải có tiêu chí, nếu không lại diễn ra cơ chế xin cho. Hội này xin được, hội kia cũng xin được”, ông Quyền cảnh báo. Mặt khác, ông Quyền cũng đề nghị phải nghiên cứu kỹ về việc có hay không cho phép người nước ngoài được thành lập các hội độc lập tại Việt Nam. Phản ánh việc thành lập hội ở các nước rất đơn giản, chỉ vài ba người đã lập được, nhưng trong chế độ chính trị của Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cũng đồng tình phải quy định chặt chẽ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, việc thành lập hội vừa qua còn tràn lan, hiệu quả hoạt động không cao, lại chủ yếu dựa vào kinh phí nhà nước. “Luật phải phân loại hội và phải có tiêu chí để phân loại để quản lý thực hiện. Hội nào do nhà nước, hội nào do dân tự nguyện lập ra, từ đó thống nhất quản lý chứ không thể chung chung được. Đã là hội tự nguyện thì phải tự đảm bảo chi phí hoạt động”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị luật ban hành phải khắc phục được những bất cập hiện nay.
Đại biểu Quốc hội lợi dụng kỳ họp làm việc riêng
Băn khoăn việc Đại biểu vắng họp, cho ý kiến về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 24/9, nhiều ý kiến đề nghị phải quy định rõ thời gian vắng mặt của Đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị đưa ra quy định cụ thể thời gian vắng mặt, nghỉ bao nhiêu ngày phải báo cáo trưởng đoàn, bao nhiêu ngày thì báo cáo Tổng thư ký kỳ họp và nghỉ bao nhiêu phải báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Nhưng theo bà Mai, nếu quy định “Đại biểu Quốc hội không được vắng mặt khi không được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội” thì... căng quá. Chả lẽ Đại biểu Quốc hội nghỉ một ngày cũng phải xin phép Chủ tịch Quốc hội, trong khi đó Chủ tịch Quốc hội lại quá nhiều việc?”, bà Mai nêu.
Cùng đề cập đến trách nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu thực trạng Đại biểu Quốc hội lợi dụng thời gian cuộc họp diễn ra để làm việc riêng. “Quốc hội làm việc tập thể, Đại biểu Quốc hội do dân bầu nên phải tham dự. Tôi đề nghị cần quy định rõ, Đại biểu Quốc hội không được vắng quá 1/5 thời gian trong một kỳ họp. Nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng, nếu không thì phải xử lý”, ông Phước đề nghị.
Dũng Nguyễn