'Ông ỉ' ra đình

Năm nay trời mưa, nên các ông ỉ được vào đình sớm hơn 1 tiếng
Năm nay trời mưa, nên các ông ỉ được vào đình sớm hơn 1 tiếng
TP - Từ xẩm tối, đoàn rước của các xóm đã tề tựu khắp các ngả để chờ đến lượt nhập đình vào 20h. Nhiều quãng đường tắc nghẽn. Phường bát âm và nhóm múa lân giải trí cho dân tình trong lúc chờ đợi. Linh hồn của mỗi đám rước là một ông ỉ (hay ỉn) nguyên con sau mổ nằm oai vệ trên giá.

 >> Đầu xuân xem hội Cướp Phết

Năm nay trời mưa, nên các ông ỉ được vào đình sớm hơn 1 tiếng
Năm nay trời mưa, nên các ông ỉ được vào đình sớm hơn 1 tiếng . Ảnh: N.M.Hà

Ông ỉ là cái tên dân làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) cung kính gọi những con lợn được nuôi với chế độ VIP dành để cúng tế vào dịp hội làng. Đằng thằng ra mỗi xóm được dâng lên một ông, thì cả làng sẽ có 10 ông. Nhưng dân số tăng nhanh, những xóm chưa kịp thành đơn vị hành chính cũng muốn bày tỏ lòng thành. Vì vậy La Phù năm nay có 17 ông ra đình.

Ông ỉ đẹp nhất được trao giải đặc biệt 300.000 đồng cùng những hiện vật như chè thuốc (thuở xưa là trầu cau). Vài ba ông đẹp nhì sẽ đem về 200.000 đồng cùng hiện vật. Các giải đồng hạng tương đương 100.000 đồng. Tất cả các ông lợn ra đình đều được nhận cờ lưu niệm.

Đấy là các năm trước. Năm nay đặc biệt, BTC quyết định trao 4 giải nhì, còn lại toàn nhất. Giải thưởng không có tiền mặt. Cũng chẳng ai quan tâm đến giá trị vật chất của giải. Với người dân La Phù, được nuôi lợn cúng đã là vinh hạnh, ai may mắn cũng chỉ dành được một lần trong đời.

Nhà nào được đặc ân này tất nhiên sẽ tự trả các chi phí cho việc nuôi ông lợn. Họ cũng đại diện cho xóm lại cai đám. Khoảng một tuần trước lễ, các hộ trong xóm mới góp tiền để sắm lễ, mỗi nhà 50-100 nghìn, tùy tình hình vật giá cũng như tiềm lực kinh tế hay lòng hào phóng của cai đám.

Ông lợn có thể béo nhưng phải béo chắc. Vì thế ngay khi chọn lợn để nuôi cúng, người ta phải tìm con nào có bộ khung lớn để phát triển lâu dài, để dù có nặng vài tạ, ông vẫn đi lại vô tư.

Ngày xưa, ông ỉ đúng là giống lợn ỉ thật, nên nuôi cả năm cũng chỉ được 40-50 cân, tới 70 cân cả làng đã trầm trồ. Như ông lợn của xã Minh Khai năm nay nặng 2 tạ 97 cân móc hàm. Mặc dù sắc vóc đủ tiêu chuẩn vào đình trong nhưng do ngoại cỡ không qua cửa được nên phải nhường cho ông tạ rưỡi của xóm khác.

Có ông ỉ không vào được đình trong vì quá khổ
Có ông ỉ không vào được đình trong vì quá khổ.

Do số lợn cúng ngày nay gần như quá sức chứa của đình, nên làng tiến hành bốc thăm, chọn ra 6 ông để vào trong. Số còn lại sắp hàng ở tiền tế.

Tuy nuôi ra toàn những ông cỡ bự cả, nhưng dân làng đảm bảo các ông ỉ không bị nhồi thuốc tăng trọng. “Lộc mình mình hưởng,” ông Trung ở xóm Minh Khai nói. “Chả dại gì tăng trọng, hại mình”.

Ông lợn ăn ngày 3-4 bữa như người. Thực đơn chỉ bao gồm ngũ cốc và rau sạch. Từ khoảng tháng 10, thường phải cho cơm nắm hoặc cháo gạo nếp các ông lợn sành ăn mới xơi cho.

Chuồng trại sạch sẽ là đương nhiên. Hè có thể được mắc màn, bật quạt, đông có đèn sưởi. Những tháng cuối, các ông được tắm, lau người nước nóng hàng ngày. Lợn hơi biếng ăn, có cơi giầu ra đình khấn ngay.

Chuồng trại sạch sẽ là đương nhiên. Hè có thể được mắc màn, bật quạt, đông có đèn sưởi. Những tháng cuối, các ông được tắm, lau người nước nóng hàng ngày. Lợn hơi biếng ăn, có cơi giầu ra đình khấn ngay.

Ông từ coi đình kể, một bà đăng cai nuôi lợn tế có lần mang lễ đến cửa đại vương, nhờ kêu khấn để lợn hay ăn chóng lớn. Hôm sau ra lễ tạ, bà mới thú thật, thằng cháu ở nhà dại mồm nói báng bổ kiểu như, ôi giời ăn cho lắm to thế này khiêng sao được, hôm sau ông bỏ ăn liền mấy bữa. Mãi có người mách bà mới biết, phải đi tạ tội ngay. Theo đúng lệ xưa, còn phải đặt ban thờ thổ địa tại nơi nuôi.

Trước mổ lợn tế, gia chủ phải làm lễ xin phép thổ công và các thần linh. “Cúng xong ông (cai đám) ra chuồng lợn vỗ nhẹ vào con lợn nói một câu: Ông ỉ ra đình nhé,” sách Lễ hội cổ truyền Hà Tây (Sở VHTT Hà Tây, 1999) viết.

“Theo lời kể của các cụ già thì những con lợn cúng thần lúc bị giết thịt rất hiền lành, không như những con lợn thường khác. Do vậy khi chọc tiết lợn, người ta không phải trói lợn mà chỉ cần mấy người đứng xung quanh giữ chân và mình lợn cho nó khỏi giẫy giụa, chủ yếu là tránh làm xây xát da, lợn sẽ không đẹp”.

Việc chấm điểm lợn diễn ra ngay từ quá trình mổ. Ra đình các cụ chỉ duyệt lượt cuối. Da đẹp là yếu tố quan trọng. Nếu ngày xưa người ta chọn lợn đen tuyền, không một sợi lông trắng để nuôi, thì nay tiêu chuẩn ngược lại. Dù lợn gì thì sau khi làm lông cũng phải trắng bóc, không tì vết, tợt tạt, không được đánh lông bằng dao sắc vì dễ làm đứt da ông.

Thành hoàng làng La Phù là Tĩnh Quốc Tam Lang- một bộ tướng của vua Hùng thứ 18, có công giúp nước đánh giặc Thục. Theo lời kể của dân làng, vào ngày ngài khao quân thắng trận, đang ngả lợn ăn mừng thì lại có lệnh quân trảy. Người ta khênh lợn, con luộc con chưa, trảy theo đoàn quân. Vì thế làng mới có lệ cúng thịt sống.

Mỗi người có một kinh nghiệm làm lông riêng. Ông Trung, từng nuôi lợn tế cách đây gần nửa thế kỷ, tiết lộ cách phủ tải đay lên mình lợn rồi dội nước sôi. Khi lột tải ra, lông cũng ra theo. Nhưng khéo dội quá tay, ông bị chín, da ửng đỏ là cũng không đạt.

Để da ông được trắng, người ta có thể xoa nhựa đu đủ xanh lên mình ông, một lúc sau rửa sạch đi. Mình ông thành phẩm phải đẹp tự nhiên, không được dùng son phấn để che khiếm khuyết, không khuyến khích trang trí bằng dây điện nhấp nháy, nhưng được phép dùng giấy trang kim để tạo hình cho mắt, tai và trán.

Đặc biệt các ông lợn khi nằm trên giá đều có một bộ áo choàng trắng như thể đăng ten khoác bên ngoài làm từ mỡ cơm xôi (phần mỡ quấn quanh dạ dày) của chính ông. Để tạo dáng tự nhiên như lúc sinh thời, người ta lồng vào bên trong ông một khung tre tạo dáng, có cả đá lạnh để giữ cho thịt ông được tươi.

Vì thế ngày xưa, làm lễ xong vào quãng nửa đêm, dân xóm phải chia lộc ngay, nay thì có thể để được lâu hơn. Khi tôi hỏi rằng thịt ông chắc phải ngon đặc biệt, hình như ông Trung làm mặt nghiêm: “Chả có cảm nhận gì khác. Chỉ gọi là thừa lộc thôi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG