Quyết định này của Thủ tướng Davutoglu được đưa ra trong bối cảnh Đảng Công lý và Phát triển (AKP) đang chuẩn bị thay thế hệ thống nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ bằng hệ thống tổng thống, động thái giúp tăng cường quyền lực của ông Erdogan.
Tháng 8/2014, sau khi ông Erdogan được bầu làm Tổng thống, ông Davutoglu tiếp quản chức chủ tịch đảng AKP và trở thành Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài phát biểu trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, ông Davutoglu ám chỉ có một số bất đồng với Tổng thống Erdogan nhưng vẫn tuyên bố ủng hộ ông Erdogan “cho đến hơi thở cuối cùng”. Ông nói: “Danh dự của Tổng thống là danh dự của tôi. Gia đình ông cũng là gia đình tôi”.
Trong khi Tổng thống và Thủ tướng là bạn bè thân thiết trong nhiều năm qua nhưng gần đây mâu thuẫn giữa hai người ngày càng rõ ràng. Hôm 2/5, AKP tước quyền bổ nhiệm quan chức cấp tỉnh của Thủ tướng, trong khi đó, Tổng thống Erdogan cảnh báo ông Davutoglu rằng ông nên nhớ người bổ nhiệm mình là ai. Ngoài ra, hai người cũng công khai bất đồng về việc nối lại đàm phán với các phiến quân người Kurd ở miền đông nam nước này.
Ông Sinan Ulgen, học giả tại trường Đại học Carnegie châu Âu có trụ sở ở Istanbul nhận định: “Một phần do ông Erdogan không tin ông Davutoglu ủng hộ hoàn toàn mình trong chương trình nghị sự của Tổng thống. Phần khác do ông Davutoglu muốn tạo lập cho riêng mình một không gian chính trị độc lập”.
Nhà nghiên cứu chính trị Cengiz Aktar thuộc Đại học Suleyman Sah ở Istanbul cho biết, số phận của Thủ tướng đã được định sẵn. “Đôi khi thủ tướng có những hành động vượt quá giới hạn, điều này là không thể chấp nhận được đối với ông Erdogan. Ông Davutoglu do Tổng thống bổ nhiệm và đang bắt đầu trở nên độc lập, điều này khiến ông Erdogan không hài lòng nên Thủ tướng phải ra đi”.
Việc ông Davutogle từ chức diễn ra giữa lúc đảng AKP cầm quyền tiếp tục hạn chế các phe chính trị đối lập. Hôm 2/5, quốc hội nước này thông qua dự luật tước bỏ quyền miễn trừ đối với các nghị sỹ, dọn đường cho việc truy tố các lãnh đạo đối lập. Ngay trước cuộc bỏ phiếu, các thành viên của AKP và đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd ẩu đả ngay giữa quốc hội.
Ông Erdogan yêu cầu truy tố các thành viên của HDP, cáo buộc các quan chức của HDP cấu kết với phiến quân người Kurd, tuy nhiên HDP bác bỏ cáo buộc này.
Ngoài cuộc khủng hoảng về chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với cuộc xung đột với quân nổi dậy người Kurd, cuộc tấn công của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và làn sóng 2,7 triệu người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria.
Việc ông Davutoglu từ chức đang đặt ra một câu hỏi lớn về tương lai của thoả thuận gây tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp đổ vào châu Âu.
Theo đó, EU sẽ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Schengen đổi lấy việc Ankara hạn chế dòng người tị nào vào châu Âu. Ông Davutoglu là người lập nên thoả thuận này nhưng Tổng thống lại không ủng hộ.
Ông Burak Kadercan, một chuyên gia về chính trị Thổ Nhĩ Kỳ tại trường Cao đẳng Hải quân Mỹ cho biết, ông không ngạc nhiên khi hay tin ông Davutoglu từ chức, và đây là dấu hiệu cho thấy ông Erdogan đang “chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo”.