Ông đồ Cung Khắc Lược – “tứ trụ” thư pháp Việt

Ông đồ Cung Khắc Lược – “tứ trụ” thư pháp Việt
Với tiến sĩ Cung Khắc Lược, ngoài những lề luật, khuôn phép truyền thống, ông còn nổi tiếng là người viết thư pháp theo kiểu phá cách với bố cục phóng khoáng, thể hiện rõ nét tài hoa, lãng tử của tác giả.

Những ngày đầu xuân năm mới, du khách đến với Hà Nội, dạo một vòng quanh Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh quan, nét đẹp văn hóa rất riêng của Hà Nội cổ: những “ông đồ”, “anh đồ”, “cô đồ”, cả “ông đồ ngoại”... quần áo dân tộc, đầu đội khăn xếp, ngồi trang nghiêm giữa chiếc chiếu hoa cạp điều nắn nót viết chữ theo yêu cầu của những người mến mộ đang vây quanh vòng trong, vòng ngoài, náo nức, thán phục.

Ít ai biết rằng trong số đó có một ông đồ Tiến sĩ Hán học – người được mệnh danh là một trong tứ trụ thư pháp Việt Nam – Tiến sĩ Cung Khắc Lược.

Những ai đam mê nghệ thuật thư pháp hẳn sẽ thuộc nằm lòng bốn chữ “Hòa, Bách, Nguyện, Lược”. Đó chính là tên của bốn nhà thư pháp Việt nổi tiếng được mệnh danh “tứ trụ” thư pháp Việt Nam: Thanh hoằng khê Lê Xuân Hòa, Lỗ công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện, Nam ba cầm văn Cung Khắc Lược. Trong số bốn “đại gia” của làng nghệ thuật ấy, nay chỉ còn mình thầy đồ Cung Khắc Lược đủ sức “chơi xuân”, dù ông đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”.

Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Lược đã được dạy chữ Quốc ngữ, chữ Nho, chữ Nôm và tiếng Pháp. Khi lớn lên lại được theo học cụ Lê Đại, Từ Long – những yếu nhân của phong trào Đông kinh nghĩa thục. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông được phân công lên Khu tự trị Việt Bắc xây dựng trường.

Mấy chục năm ăn ở, tiếp xúc với học trò, đồng bào dân tộc, ông đã học và thông thạo nhiều ngôn ngữ như chữ Nôm Tày, Nôm Dao, Nôm Thái… Và cũng chính công việc cùng cuộc sống nay đây mai đó đã lôi cuốn cụ bước dần vào con đường nghiên cứu Hán Nôm, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu chữ Nôm cổ của các dân tộc miền núi phía Bắc.

Trong suốt mấy chục năm nghiên cứu chữ Hán Nôm, nghệ thuật thư pháp đã gắn bó với cụ Lược như người bạn tri kỉ, bởi nhờ nó mà cụ có thể giãi bày được những nỗi buồn vui của cuộc đời và nhân tình thế thái qua từng đường nét con chữ. Cụ cho hay, giá trị của thư pháp không chỉ có chữ đẹp trên tờ giấy đẹp, mà là mối quan hệ hô ứng giữa người nghệ sĩ và người đọc.

Mỗi bức thư pháp bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người nhận. “Pháp” là “phép”, “thư pháp” là “phép của chữ”.

Nghệ thuật viết thư pháp đòi hỏi người viết vừa phải có hoa tay, lại phải hiểu được cái ý tứ sâu xa thâm trầm của chữ, có như vậy mới thể hiện được cái thần của chữ và cái cốt cách của người cầm bút.

Với Tiến sĩ Cung Khắc Lược, ngoài những lề luật, khuôn phép truyền thống, cụ còn nổi tiếng là người viết thư pháp theo kiểu phá cách với bố cục phóng khoáng, thể hiện rõ nét tài hoa, lãng tử của tác giả. Có những lúc cụ đề huề trong vạt áo dài gấm đỏ, ngồi nghiêm trang như ông đồ đang trong buổi bình văn, lắm khi lại choàng tấm áo chùng thâm cũ kĩ, đầu đội mũ len nâu, chân xỏ dép da, phiêu trên từng trang giấy ở góc phố như quên hết mọi sự trên đời…

Trong không khí tràn ngập hơi xuân, nhà thư pháp Cung Khắc Lược vẫn mải miết phóng bút trên từng trang giấy, đem đến cho đời những nét chữ tài hoa, chứa đựng suy ngẫm, trải nghiệm và cả ước vọng trong một mùa xuân mới – Xuân của đời người, của niềm tin và hi vọng.

Theo Theo Hanoitv
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.